Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc: Chắc chắn có vấn đề không ổn đối với quy trình xuất nhập

ANTD.VN - Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand cho rằng, scandal bán khăn lụa có 2 nhãn rõ ràng là một “cú vấp” đau đối với Khaisilk.

Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc: Chắc chắn có vấn đề không ổn đối với quy trình xuất nhập ảnh 1Thương hiệu “vang bóng 1 thời” vướng vào khủng hoảng

Phản ứng chậm chạp

Đánh giá về thương hiệu Khaisilk, ông Lại Tiến Mạnh cho rằng, trước đây, Khaisilk là một thương hiệu Việt thành công, thể hiện ở danh tiếng trên thị trường. “Danh tiếng của Khaisilk được xây dựng sau bao nhiêu năm. Người ta yêu mến thương hiệu này không kém gì những thương hiệu thời trang quốc tế khác và nó trở thành biểu tượng của sản phẩm lụa Việt Nam. Thậm chí, câu chuyện thành công của thương hiệu Khaisilk là một câu chuyện hấp dẫn đối với nhiều người”- chuyên gia về thương hiệu chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Lại Tiến Mạnh phán đoán, vì 2 nguyên nhân lớn, Khaisilk đã vướng vào khủng hoảng chỉ sau một đêm. “Sai lầm mấu chốt của doanh nghiệp là không quản lý chặt quy trình nhập hàng của mình và để cho một sản phẩm có đến 2 tem mác nguồn gốc xuất xứ. Chắc chắn có vấn đề không ổn đối với quy trình xuất nhập hàng hóa. Tiếp theo là phản ứng chậm khi có khủng hoảng xảy ra. Nhiều doanh nghiệp ban đầu chọn cách không phản ứng vì hy vọng sự vụ sớm lắng xuống. Nhưng không ai tính toán trước được phản ứng của đám đông và họ hoàn toàn bị động trước sức lan tỏa lớn và nhanh chóng đến độ mất kiểm soát của thông tin trên mạng Internet. Trường hợp của Khaisilk cũng vậy. Đây rõ ràng là một “cú vấp” đau đối với Khaisilk”- ông Lại Tiến Mạnh chia sẻ.

Khách hàng phải được biết thông tin sản phẩm

Theo vị chuyên gia này, vì việc kiểm soát chất lượng sản phẩm không dễ dàng, nên nguy cơ xảy ra khủng hoảng luôn tồn tại, đe dọa đến thương hiệu. Hầu hết các thương hiệu quốc tế lớn đều ý thức được điều này và chuẩn  bị khá kỹ cho khủng hoảng. Họ có hẳn những cuốn “Cẩm nang xử lý khủng hoảng”, trong đó quy định rất rõ các bước cần thực hiện một khi khủng hoảng xảy ra; quy định ai trong công ty sẽ đóng vai trò gì, cần phải phối hợp và thống nhất thông tin như thế nào đối với truyền thông... 

“Rất ít doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị tương tự, thậm chí là vô cùng ít. Trong vụ khủng hoảng của Khaisilk vừa rồi, không ai biết được tác động thực sự của nó đối với thương hiệu Khaisilk ngoài chính doanh nghiệp, cụ thể là ảnh hưởng đến doanh số ngắn hạn. Nếu không được giải quyết thấu đáo, ảnh hưởng dài hạn hoàn toàn có khả năng xảy ra”- vị chuyên gia nói. 

Theo vị chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu. Có thể lấy ví dụ như: Nước mắm Phú Quốc, hạt tiêu Chư Sê, bưởi Đoan Hùng, lụa Hà Đông... Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu theo một nguyên tắc nhất quán là luôn cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về sản phẩm, dịch vụ, chính sách bán hàng... cho khách hàng. Đây là một thị trường mở và khách hàng trả tiền có quyền được biết mọi thông tin về sản phẩm họ mua, một cách trung thực.

Vậy sau khủng hoảng, doanh nghiệp có thể xây dựng lại thương hiệu? Ông Lại Tiến Mạnh cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng lại thương hiệu nếu như đối diện với khủng hoảng một cách nghiêm túc, bằng hành động cụ thể và dứt khoát. 

“Cách Samsung xử lý khủng hoảng với dòng sản phẩm  Galaxy Note 7 là một ví dụ gần nhất về việc vươn lên sau khủng hoảng.  Tuy nhiên cũng phải nói rõ rằng, doanh nghiệp sẽ thiệt hại về tài chính không nhỏ. Tất nhiên, cái được sẽ là khôi phục danh tiếng, lòng tin đối với khách hàng. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục thành công trong tương lai”- chuyên gia thương hiệu chia sẻ.