Khai thác hiệu quả các nguồn lực

ANTĐ - Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch năm 2015, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức hôm qua 23-10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Thành phố sẽ tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch Thủ đô. Khẳng định của Chủ tịch thành phố càng có thêm cơ sở khi chỉ ít ngày trước đó,Sân bay Quốc tế Nội Bài - một cửa ngõ Thủ đô, bộ mặt đất nước vừa tăng tốc ngoạn mục, vọt lên trên bảng xếp hạng các sân bay tốt nhất châu Á, sát cánh, sánh vai với những tên tuổi quốc tế lừng lẫy trên bản đồ hàng không và du lịch châu lục. Cửa ngõ đã phong quang, sáng sủa, tạo cảm giác dễ chịu ban đầu với mọi du khách  tới Hà Nội. 

Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo TP Hà Nội với các doanh nghiệp, công ty du lịch cũng như các cơ sở kinh doanh du lịch lữ hành trên địa bàn thành phố, không ngoài mục tiêu giữ chân du khách ở lại dài hơn, chi tiêu nhiều hơn, tạo môi trường phát triển du lịch bền vững. Chẳng cứ những người làm du lịch, bất cứ người dân Thủ đô nào cũng hiểu rằng, bỏ ra bao nhiêu tiền, công sức đi quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, mến khách, nếu như không tranh thủ những thời cơ tốt, điểm mạnh tại bản địa, thì khó lòng phát triển du lịch bền vững.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội hoàn toàn có cơ sở  khi ông nhấn mạnh, thành phố cần nỗ lực trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, thanh lịch, hấp dẫn, xứng danh Thủ đô nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Theo đó, du lịch Thủ đô cần thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp cao trên cơ sở hệ thống vật chất hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng dữ còn bay xa hơn. Ngay ở Trung Quốc, thị trường du lịch hàng đầu thế giới vừa “mất điểm” trong con mắt hàng triệu khách quốc tế bởi kiểu dịch vụ “nhốt” khách vào những điểm mua sắm, nhà hàng, siêu thị, ép họ phải mở hầu bao ra mua hàng. Bài học “ăn xổi” không bao giờ mang lại lợi ích lâu bền cả. “Trông người ngẫm đến ta”, việc xây dựng hình ảnh du lịch đâu chỉ “ăn theo, ăn sẵn” cảnh quan, di sản rồi bỏ mặc du khách lang thang, vật vờ và chỉ biết thu tiền. Rất mừng là, những “hạt sạn” du lịch ở Hà Nội đã được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp chung tay vào cuộc, xử lý rốt ráo.

Sẽ còn nhiều bài toán cần phải giải. Bởi, khách du lịch tới Hà Nội không thể chỉ đi một, hai ngày là hết chỗ, trong khi những đặc sản, sản phẩm mang dấu ấn đất kinh kỳ, nhất là mảnh đất hội tụ trăm nghề còn chưa khai phá hết. Những du lịch làng nghề, du lịch sinh thái hoặc kiểu du lịch ở nhà dân… cần được tận dụng, khai phá hết. Không nên quên rằng, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đã ôm trọn trong lòng biết bao tiềm năng, trữ lượng cần được đánh thức và khơi dậy.