Khai thác cơ hội từ EVFTA để vượt qua khó khăn

ANTD.VN - Theo Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu (EVFTA) sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam, nhờ những tác động tích cực đến thương mại, đầu tư…

EVFTA sẽ mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, khả năng Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước… tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; 4,57 đến 5,3% cho giai đoạn 05 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.

Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 11,12-15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 17,98-21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Trong đó, đáng chú ý là một số ngành như: nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%);  Nhóm ngành chế biến chế tạo tăng: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%);

Nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%).

Về nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới, dự kiến kim ngạch của ta tăng trung bình 4,36-7,27% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 10,63-15,4% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 16,41-21,66% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).

Đặc biệt, EVFTA sẽ góp phần giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Trong lĩnh vực đầu tư, EVFTA thúc đẩy đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Về chất lượng đầu tư, với Hiệp định EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và các lĩnh vực thu hút đầu tư được mở rộng. Với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương cho biết, theo thủ tục nội bộ của EU, EVFTA cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và sau đó được Hội đồng châu Âu ký duyệt để có hiệu lực.

Vào ngày 12-2-2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với tỷ lệ 63,35% số phiếu tán thành (401 phiếu tán thành, 192 phiếu phản đối và 40 phiếu trắng). Ngày 30-3-2020 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.

Theo đó, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam. Hiện Bộ Công Thương đã và đang triển khai liên quan đến bộ hồ sơ trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA.

Để phục vụ cho phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20-4-2020, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, việc EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực sẽ mở ra những cơ hội to lớn cho Việt Nam.