Khai phá tiềm năng

ANTĐ - Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry sẽ tiến hành hai chuyến thăm riêng rẽ vào hai thời điểm khác nhau tới khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đây là những chuyến đi nhằm cụ thể hóa chiến lược “tiến về châu Á - Thái Bình Dương” trong thế kỷ 21 của Mỹ.

Ông J. Kerry trong chuyến công du đến các Tiểu vương quốc Arập thống nhất

Thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi hôm 14-3 cho biết, trung tuần tháng 4, ông J. Kerry sẽ tới thăm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mục tiêu chính trong chuyến thăm tập trung vào hợp tác kinh tế, môi trường và an ninh, trong đó có tình hình căng thẳng đột biến trên Bán đảo Triều Tiên, nạn tin tặc và tấn công mạng gia tăng. Tiếp đó vào tháng 6, ông J. Kerry có kế hoạch tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei và thăm một số nước Đông Nam Á. 

Việc Mỹ quan tâm đến hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á không phải là điều mới lạ. Ngay từ tháng 11-2011, trong bài viết đáng chú ý “Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton khẳng định: “Tương lai của chính trị sẽ được quyết định ở châu Á chứ không phải ở Iraq hay Afghanistan”.

Đúng là trong thập niên vừa qua, Mỹ đã đầu tư nguồn lực khổng lồ tại Iraq và Afghanistan. Khi hai cuộc chiến này đang đi tới hồi kết mà lợi ích thì chẳng thu được gì, Mỹ đứng trước thực tế phải suy nghĩ một cách khôn ngoan và có hệ thống hơn. Châu Á - Thái Bình Dương chính là cơ hội cho Mỹ trong thế kỷ 21, đúng như lời của bà H.Clinton “Mỹ trong thập niên tới sẽ tăng cường đầu tư về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các mặt khác tại châu Á – Thái Bình Dương”.

Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực rộng lớn kéo dài từ lục địa Ấn Độ đến bờ biển phía Tây của Mỹ, Đông Bắc Á và Đông Nam Á có vị trí địa chính trị và kinh tế đặc biệt quan trọng với Mỹ. Khu vực này có các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Khu vực này cũng có hàng loạt các “con rồng”, “con hổ” châu Á mà vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

Nhìn lên Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác chủ chốt trong những nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á, đặc biệt là trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thông qua quá trình đàm phán 6 bên. Trong khi Liên minh Mỹ - Nhật luôn được coi là cột trụ trong chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì quan hệ Mỹ - Hàn Quốc tạo ra nhiều lợi ích kinh tế. Hiện Mỹ đang hướng tới các hiệp định thương mại mới với Hàn Quốc (giảm 95% thuế đối với xuất khẩu của Mỹ và giúp tạo ra 70 nghìn việc làm trong 5 năm tới, giúp tăng 10 tỷ USD xuất khẩu hàng năm của nước này). 

Với gần 600 triệu dân và GDP đạt 1.100 tỉ USD, Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của nước này. Năm ngoái, giao dịch thương mại hai chiều giữa Mỹ và ASEAN đạt trên 186 tỉ USD. Đồng thời, Mỹ cũng đang là nước đầu tư lớn thứ 3 ở ASEAN, với tổng vốn đầu tư đạt 8,5 tỉ USD năm 2010. Mỹ nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác với khối ASEAN để triển khai hiệu quả các dự án và hoạt động trong kế hoạch Hành động giai đoạn 2011 – 2015.

Đó chính là tiềm năng mà ông J. Kerry phải khai phá trong chuyến công du đầu tiên đến hai khu vực này kể từ khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ.