Khai phá tiềm năng

ANTĐ - Tuy chỉ là hoạt động thường niên nhưng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM-45) và các hội nghị liên quan vừa khai mạc tại Phnom Penh, Campuchia đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi hàng loạt vấn đề “nóng” mà Hội nghị phải giải quyết. 

Quang cảnh hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN + 3

Với chủ đề của năm nay là “ASEAN: Một cộng đồng, Một vận mệnh”, Hội nghị lần này đi tìm lời giải cho hàng loạt thách thức trên con đường thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như khai phá tiếp tiềm năng của ASEAN. Với tổng GDP 1,5 nghìn tỷ USD, dân số 580 triệu người, và tổng giá trị thương mại là 1,7 nghìn tỷ USD, ASEAN có đủ những nhân tố để trở thành một lực lượng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, ASEAN còn được xếp vào hàng 10 nền kinh tế hàng đầu về dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, có một thực tế là sự vắng mặt của ASEAN trên các “màn hình radar” của các nhà đầu tư như một đơn vị kinh tế thống nhất do sự thiếu hội nhập vào các thị trường tài chính và kinh tế lớn. Các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế vẫn coi khu vực Đông Nam Á như là 10 nền kinh tế riêng rẽ do những khác biệt về quy định, môi trường kinh doanh, văn hóa và năng lực thể chế. 

Chính vì vậy, sự hội nhập sâu hơn của ASEAN là cần thiết để tối đa hóa sức mạnh hợp lực nội khối và giữ cho khu vực này gắn kết hơn với các nhà đầu tư và kinh tế quốc tế. Đó cũng là cách tốt nhất để ASEAN đối phó thành công với những thách thức toàn cầu và khu vực, trong đó phải kể đến khó khăn tại những nền kinh tế lớn, khủng hoảng nợ kéo dài tại châu Âu, an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia…

Thách thức nữa là việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đã và đang hình thành. Vai trò của ASEAN được thể hiện thông qua các tiến trình hợp tác khu vực hiện có như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Tuy nhiên, để góp phần hiệu quả hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực thì ASEAN phải đóng vai trò trung tâm trong các cấu trúc này.

Bổ sung cho các thách thức trên là tình hình Biển Đông hiện đang nóng lên với nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến hoạt động của Trung Quốc như phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tranh chấp tại bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines…

Tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông là điều mà Hội nghị AMM-45 đang nỗ lực tìm kiếm, dựa trên cơ sở các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), và tinh thần DOC. Tín hiệu đáng mừng là ASEAN và Trung Quốc vừa kết thúc Hội nghị tham vấn không chính thức về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hướng tới những ràng buộc pháp lý cao hơn trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Thách thức không nhỏ nhưng con đường đi của ASEAN đã được khẳng định rõ nhằm kết hợp sức lực riêng lẻ của từng quốc gia thành viên thành sức mạnh của một tổ chức khu vực được coi là thành công nhất thế giới.