Khai mạc kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII: Quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia

ANTĐ - Hôm nay, 20-5, sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015. Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Hôm nay (20-5), kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Bên cạnh nội dung lập pháp, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Khai mạc kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII: Quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia ảnh 1Phối cảnh dự án sân bay Long Thành

Thông qua 11 dự án luật

Tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII sáng 19-5, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) cho biết, dự kiến, kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết, cho ý kiến đối với 15 dự án luật. Các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), Luật bầu cử ĐBQH và HĐND, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Tài nguyên môi trường và hải đảo, Luật Thú y, Luật An toàn vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Trả lời báo chí về việc Quốc hội có xem xét sửa đổi điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 về quy định hưởng BHXH 1 lần, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm VPQH cho biết, hiện Chính phủ chưa trình Quốc hội tờ trình sửa đổi điều luật này. “Việc làm luật và sửa luật là của Quốc hội, lưu ý là chúng ta có quy trình sửa đổi luật chặt chẽ. Luật BHXH từ 1-1-2016 mới có hiệu lực và đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn. Việc sửa đổi luật để đảm bảo tính lâu dài thì cũng phù hợp với thông lệ quốc tế” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Cũng theo Chủ nhiệm VPQH, mục tiêu của điều 60 là rất nhân văn và đúng đắn, nhằm đảm bảo người lao động về già đều có lương hưu. Tuy nhiên, thời gian qua, công nhân một số nơi kiến nghị sửa đổi điều này, muốn hưởng BHXH 1 lần. “Chính phủ có báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên trong chương trình kỳ họp này, chúng tôi cũng bố trí phần báo cáo về điều 60. Việc sửa hay không phải chờ ý kiến của các ĐBQH” – Chủ nhiệm VPQH nói thêm.

Xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH Châu Thị Thu Nga

Về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 vừa qua đã cho ý kiến về vấn đề này và Trung ương thống nhất cần thiết phải đầu tư. Tuy nhiên, đây mới là quan điểm, chủ trương chung, còn việc Quốc hội cho ý kiến cụ thể là về cách làm, về phương thức đầu tư, sử dụng vốn, đất đai… làm sao để đảm bảo hiệu quả của dự án. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận về sự cần thiết của dự án và các phương thức đầu tư; tổng mức đầu tư; phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư; phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư … sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không và khả năng huy động nguồn lực.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, vụ việc của bà Châu Thị Thu Nga là một điều rất đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang cố gắng tăng tỷ lệ ĐBQH nữ. “Đại biểu Châu Thị Thu Nga đã có những hành vi vi phạm pháp luật, không còn tín nhiệm trước cử tri nữa nên vừa qua Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề xuất bãi nhiệm tư cách ĐBQH Châu Thị Thu Nga. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất tạm đình chỉ hoạt động ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga. Vì thế, Quốc hội sẽ đưa ra xem xét việc bãi nhiệm đối với bà Châu Thị Thu Nga tại kỳ họp này” – Chủ nhiệm VPQH nói.

Ý kiến ĐBQH trước thềm kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:
Bà Bùi Thị An, ĐBQH Hà Nội: Cần có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng

Khai mạc kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII: Quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia ảnh 2
Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, điều mà cử tri mong mỏi nhất là  phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Trong đó, vấn đề đang được mọi người quan tâm hiện nay là làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và tổ chức như thế nào để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nông dân có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống. 

 Theo tôi, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, vấn đề trọng tâm là tiếp tục bàn các biện pháp, giải pháp tối ưu nhằm ổn định nền kinh tế, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân ở khắp mọi vùng, miền của đất nước; Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và phát triển một cách đồng bộ, nhất là trong lĩnh vực giao thông như hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy. 
Trong kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ thông qua nhiều luật, thể hiện rõ tinh thần Hiến pháp năm 2013. Tôi cho rằng, Quốc hội cần có những hành động thực tiễn để thực hiện những mục đích, kế hoạch, chương trình đề ra và cần có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng xã hội, mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao hiệu quả công việc.

Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội: Bố trí hợp lý thời gian để thảo luận

Khai mạc kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII: Quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia ảnh 3
Nhằm tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ thông qua 11 dự án Luật và 1 nghị quyết, trong đó có nhiều luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ,  Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND... Trong đó, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần 2 để có thể thông qua. Đây là bộ luật có nhiều nội dung mang tính đột phá quan trọng, được xây dựng công phu, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự.

Về vấn đề giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… về việc ban hành các văn bản dưới luật để triển khai thi hành luật, tập trung vào chủ đề giám sát vấn đề oan sai trong hoạt động tố tụng... Có thể nói trong kỳ họp Quốc hội lần này, chương trình nghị sự gồm nhiều vấn đề quan trọng. Tôi mong rằng, quỹ thời gian dành để thảo luận, xem xét đối với từng nội dung sẽ được bố trí hợp lý. Cụ thể, với những dự án luật sắp thông qua, đã được xem xét kỹ thì chỉ nên tập trung xem xét vào những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và nên dành thời gian cho những dự án luật mới… 

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, 
Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Vấn đề cần bàn là “đầu ra cho nông nghiệp”

Khai mạc kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII: Quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia ảnh 4
Theo tôi, một trong những nội dung mà nhiều ĐBQH rất quan tâm và chắc chắn Quốc hội phải dành thời gian xem xét, bàn bạc kỹ tại kỳ họp lần này là làm sao để tháo gỡ được khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Câu chuyện nông sản được mùa mất giá không mới vì đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn chưa có lời giải mà thậm chí còn bế tắc hơn khi mới đây, chúng ta được chứng kiến cảnh dưa hấu phải tiêu thụ nhờ giải pháp “tình thương”.

Tôi cho rằng, lỗi, trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng này chính là do công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này chưa tốt, vấn đề quy hoạch và định hướng sản xuất chưa tốt. Theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà hoạch định chiến lược phải có các giải pháp định hướng sản xuất, định hướng cây trồng cho bà con nông dân và phải liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra trước cho sản phẩm để làm cơ sở định hướng cho bà con phân bổ cơ cấu vật nuôi, cây trồng hợp lý.