"Khai hoang mảnh đất màu mỡ" TikTok (1): Mạng xã hội soán ngôi quảng cáo

ANTD.VN - Với kho tàng âm nhạc, âm thanh và hiệu ứng độc đáo kết hợp cùng khả năng tự chỉnh sửa mang tính cá nhân hóa cao, TikTok đang sở hữu một lượng khổng lồ video ngắn, trung bình 15 giây, bắt và tạo “trend cực hot”.

Những video TikTok thu hút hàng triệu lượt xem này được tạo nên từ những người dùng được đánh giá là có IQ và EQ cao. Họ phần lớn là giới trẻ thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1995 trở về sau) và là nhóm khách hàng tiềm năng mà các nhãn hàng đang hướng đến. Dù là “mảnh đất” truyền thông hấp dẫn như thế nhưng tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn còn “e ngại” chi tiền quảng cáo qua mạng xã hội video ngắn này.  

Chuyên đề “Khai hoang mảnh đất màu mỡ” TikTok phản ánh xu hướng truyền thông qua mạng xã hội TikTok hiện nay với hy vọng giúp quý độc giả hiểu hơn về truyền thông trên nền tảng này.

Kể từ khi xuất hiện, mạng xã hội đã hứa hẹn trở thành một trong những kênh thông tin hữu ích và tiện lợi. Năm 2014, mạng xã hội bùng nổ trở thành phương tiện kết nối không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mọi người. Do vậy, có thể dễ hiểu vì sao các nhãn hàng, doanh nghiệp lại lựa chọn quảng cáo qua nền tảng này. Đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội vẫn là một trong những kênh quảng cáo chủ lực, soán ngôi các loại hình quảng cáo truyền thống khác.

Xu thế truyền thông trên mạng xã hội phát triển mạnh mẽ

Theo “Báo cáo Việt Nam Digital 2020” của công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội “We Are Social” kết hợp cùng công ty cung cấp công cụ quản lý mạng xã hội “Hootsuite”, tính đến tháng 1/2020, Việt Nam có 65 triệu người dùng mạng xã hội trên tổng số 96,9 triệu dân. Từ tháng 4/2019 đến tháng 1/2020, số người dùng mạng xã hội tăng 5,7 triệu người. 

Các số liệu thống kê về Internet tại Việt Nam năm 2020 (nguồn: We Are Social & Hootsuite)

Với sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của mình, những “ông lớn” như  Facebook, Youtube, Instagram hay TikTok đang sở hữu một lượng lớn khách hàng và trở thành “mảnh đất truyền thông màu mỡ” cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ông Vũ Mạnh Hưng, trưởng phòng Marketing của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại Hà Nội cho biết: “Sự chuyển dịch sang truyền thông trên mạng xã hội là điều tất yếu”.

Mạng xã hội trở thành công cụ kết nối không thể thiếu trong công việc và cuộc sống hằng ngày (nguồn: Internet)

Theo số liệu dự đoán từ Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2020, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 760 triệu USD, trong đó Facebook và Google (gồm Youtube) chiếm đến 512 triệu USD. 

Ông Vũ Mạnh Hưng trao đổi về xu thế chuyển dịch sang truyền thông trên mạng xã hội của các doanh nghiệp hiện nay

Về lý do các doanh nghiệp lựa chọn quảng cáo qua mạng xã hội, ông Vũ Mạnh Hưng cho biết: “Chi phí quảng cáo giảm xuống nhiều lần trong khi hiệu quả tương đương hoặc cao hơn lúc trước. Đó là nhờ mạng xã hội có những tính năng ưu việt: Tương tác cao, tiếp cận khách hàng rộng, không bị giới hạn về không gian đồng thời tiếp cận hành vi người dùng nhanh và chính xác. Do đó, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư chi phí quảng cáo qua mạng xã hội từ 70 – 80%”. 

Quảng cáo qua mạng xã hội trở thành lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nguồn: Internet)

Vị trưởng phòng đưa ra dẫn chứng, để thông tin đến 1 triệu khách hàng, hình thức quảng cáo truyền thống cần phát tờ rơi và treo biển quảng cáo một tháng. Chi phí in tờ rơi đã lên tới 100 triệu đồng (100 đồng 1 tờ) và chưa tính đến phí thuê người phát. Trong khi đó, quảng cáo trên truyền hình có chi phí từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho việc sản xuất nội dung, chưa tính đến mức mua khung giờ phát sóng rất cao. Đây là những rào cản đáng kể đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, mạng xã hội trở thành kênh truyền thông, quảng cáo lý tưởng với mức chi phí hợp lý và độ tiếp cận hành vi khách hàng cao. 

Thành công từ sự chuyển mình

Sau hơn 5 năm đẩy mạnh quảng cáo qua mạng xã hội, các doanh nghiệp đã có hiệu quả kinh doanh đáng ghi nhận. 

Đại diện một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại Ba Đình, Hà Nội cho biết rằng, kể từ khi chuyển đổi sang quảng cáo qua mạng xã hội, doanh thu tăng gấp 5 lần. Cụ thể, năm 2014, mỗi tháng doanh thu đạt 20 tỷ đồng, đến nay con số này xấp xỉ 100 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi gặp không ít khó khăn, đại diện công ty chia sẻ: “Về mặt nội dung, nhà sản xuất mạng xã hội liên tục có những chính sách mới bảo vệ, phát triển người dùng và thắt chặt quảng cáo. Hiện tại, các nội dung quảng cáo không được phép lộ quá 25% da thịt, không được phép phóng cận, đặc tả các bộ phận trên gương mặt, cơ thể.”

Đội ngũ sáng tạo nội dung liên tục nghĩ ra những ý tưởng mới vừa đảm bảo chính sách của nhà sản xuất vừa thu hút sự chú ý của khách hàng (nguồn: Internet)

Còn đại diện một công ty cung cấp mỹ phẩm tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Giai đoạn đầu mới chuyển đổi, doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tìm hiểu cơ chế tiếp thị của các nền tảng mạng xã hội. Trong 3 tháng đầu, công ty thiếu trầm trọng nhân sự chạy quảng cáo. Những tháng tiếp theo, công ty lại gặp khó khăn trong đánh giá hiệu quả truyền thông.”

Qua giai đoạn đầu đầy thách thức, doanh nghiệp dần đi vào ổn định. Đến nay, doanh thu hàng tháng của công ty lên đến 20 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 5 năm trước. Đại diện công ty cũng chia sẻ: “Hiện tại, công ty chi 90% ngân sách cho quảng cáo trên mạng xã hội. Số lượng khách hàng mua sản phẩm qua các kênh này chiếm tỉ lệ 80%”.

Kinh doanh qua mạng xã hội giúp tiết kiệm thời gian và chi phí (nguồn: Internet)

Các doanh nghiệp kinh doanh quần áo cũng vấp phải những rào cản khi lựa chọn quảng cáo qua nền tảng mạng xã hội. Đại diện một hệ thống kinh doanh quần áo nam nhập khẩu có cơ sở chính tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tình trạng thông tin khách hàng, nội dung, hình ảnh, video quảng cáo bị “đánh cắp” bản quyền rất phổ biến. Đội ngũ truyền thông phải liên tục đưa ra những giải pháp đối phó với các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh này”. 

“Đánh cắp” dữ liệu là một trong những thách thức lớn của các doanh nghiệp trong thời đại kĩ thuật số (nguồn: Internet) 

Về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đại diện hệ thống này chia sẻ: “Sau 5 năm đẩy mạnh truyền thông qua các kênh phổ biến như Facebook, Instagram, doanh thu mỗi cửa hàng dao động từ 700 – 1 tỷ đồng. Toàn hệ thống có 50 cửa hàng (bao gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận), tổng doanh thu 1 tháng khoảng 45 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm năm 2015 (tổng doanh thu xấp xỉ 11 tỷ đồng/tháng)”.

Rõ ràng, sự chuyển dịch mạnh mẽ sang truyền thông qua mạng xã hội là bước đi tất yếu để đưa thương hiệu đến gần hơn với công chúng. Thực tế, các doanh nghiệp đã có những chiến lược truyền thông linh hoạt và chuyển đổi thành công sang quảng cáo qua nền tảng này. Đó là lý do vì sao sau 5 năm phát triển không ngừng, mạng xã hội vẫn đang “chiếm lĩnh” thị trường quảng cáo tại Việt Nam.

(Còn nữa)