Khách hàng "sợ" nghĩa vụ bảo mật ngân hàng

ANTD.VN - Bảo mật trong quá trình thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử là nghĩa vụ của khách hàng nhưng thực tế tại Việt Nam, rất khó để đáp ứng được yêu cầu này.

Mới đây, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phải lùi thời hạn áp dụng quy định về điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân để điều chỉnh, sau khi nhận được những phản ứng từ khách hàng dù thực tế, những quy định này là cần thiết.

Khách hàng "sợ" nghĩa vụ bảo mật ngân hàng ảnh 1Với điều kiện an ninh mạng hiện nay tại Việt Nam, việc đảm bảo các điều kiện giao dịch an toàn tuyệt đối là rất khó

Đẩy khó về khách hàng?

Tại thông báo về điều chỉnh nội dung thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử áp dụng từ ngày 10-5, Vietcombank đã đưa ra những quy định rất cụ thể về nghĩa vụ bảo mật mà khách hàng phải tuân thủ, chẳng hạn như: giữ bí mật các yếu tố định danh, phòng tránh và ngăn chặn việc sử dụng trái phép. Ngoài ra, khách hàng cần đổi mật khẩu thường xuyên và khi có yêu cầu từ dịch vụ; không nên chọn mật khẩu có tính cá nhân, dễ suy đoán và đã sử dụng trước đây…

Đặc biệt, Vietcombank yêu cầu khách hàng không truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ nếu không đảm bảo rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập của khách hàng. Khách hàng phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng thiết bị mà khách hàng sử dụng để kết nối với các dịch vụ là không có và được bảo vệ chắc chắn khỏi virus và các phần mềm máy tính gây hại.

Ngoài ra, khách hàng phải cam kết chịu trách nhiệm cho tất cả các tổn thất và chi phí do các giao dịch gian lận đã được thực hiện nếu khách hàng đã hành động thiếu cẩn trọng hoặc nếu khách hàng làm sai, làm không đúng, không đầy đủ bất cứ nghĩa vụ bảo mật nào hoặc các yêu cầu thông báo được nêu trên... 

Tuy nhiên, sát thời hạn áp dụng, trước những phản ứng của dư luận cho rằng, ngân hàng đang đẩy phần khó về khách hàng, Vietcombank đã phải lùi thời hạn áp dụng để sửa chữa văn bản này.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, một khách hàng của Vietcombank cảm thấy hoang mang khi nhận được thông báo về quy định trên. “Với một người không hiểu lắm về công nghệ thông tin như tôi thì không thể xác định được thiết bị nào mình đang sử dụng là an toàn tuyệt đối. Như vậy, khi xảy ra mất mát thì theo như điều khoản do Vietcombank đưa ra, khách hàng sẽ rất khó được bảo vệ” - anh Sơn nói.

Nên khuyến cáo thay vì bắt buộc

Đánh giá về các điều khoản bảo mật ngân hàng điện tử do Vietcombank đưa ra, các chuyên gia cho rằng, trên thực tế, các quy định, khuyến cáo về điều kiện bảo mật đối với các dịch vụ ngân hàng điện tử là cần thiết và theo thông lệ quốc tế. 

Tuy nhiên, nếu ngân hàng yêu cầu khách hàng đảm bảo an toàn tuyệt đối với các giao dịch là rất khó khả thi, nhất là trong điều kiện an ninh mạng còn lỏng lẻo như ở Việt Nam. Luật sư Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho biết, các nội dung quy định thỏa thuận với khách hàng của Vietcombank là không mới và đã được nhiều ngân hàng nước ngoài đề cập cụ thể. Trong các văn bản pháp luật của Việt Nam cũng yêu cầu chung khách hàng có nghĩa vụ bảo mật thông tin tài khoản để bảo đảm an toàn các giao dịch ngân hàng. 

Tuy nhiên, những quy định cụ thể của Vietcombank lại khó khả thi với điều kiện hiện tại trong nước. “Các quy định cụ thể của Vietcombank chỉ có thể được tuân thủ trên nền tảng công nghệ thông tin, phần mềm bản quyền được đảm bảo. Nhưng hiện nay, đa phần người dùng ở Việt Nam sử dụng các phần mềm có vấn đề về bản quyền sở hữu trí tuệ nên dễ bị hacker, virus tấn công” - TS Bùi Quang Tín nêu quan điểm. 

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, các điều khoản của Vietcombank là cần thiết, nhưng nên dừng lại ở mức khuyến cáo nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng về nghĩa vụ bảo mật của mình. Trên thực tế, nếu việc mất tiền trong tài khoản do lỗi của khách hàng để lộ thông tin thì đương nhiên khách hàng phải tự chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.