Khách hàng luôn tin vào những người "đang làm điều đúng"

ANTD.VN - Trong câu chuyện đầu năm mới với Báo An ninh Thủ đô, ông Stefan Reicherstorfer, quốc tịch Đức, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã đưa ra những thông điệp thú vị và nhiều ý nghĩa về kinh doanh cũng như cuộc sống.

Lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong ngày kỷ niệm 23 năm thành lập

- PV: Được biết ông đã trải qua nhiều vị trí quản lý cao cấp của Unilever Global tại những thị trường có thể nói là sôi động nhất trên thế giới như ở Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản trước khi nhận vị trí Giám đốc Marketing tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Number 1. Lý do vì sao ông lại chọn một tập đoàn ở Việt Nam thay vì những thị trường phát triển, hấp dẫn hơn? Ông nhìn thấy tiềm năng gì ở Tân Hiệp Phát - Number 1? Cơ hội, lợi ích của ông khi thử sức ở thị trường Việt Nam là gì?

- Ông Stefan Reicherstorfer: Trước hết, Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn với tôi ở giai đoạn này vì nhiều lý do: Xét về các tiêu chí của nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thì Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng liên tục và tốc độ. Đối với mặt hàng đồ uống, Việt Nam là một thị trường lớn với phần đông trong số 95 triệu dân là người trẻ tuổi và năng động; cộng thêm một nền tảng kỹ thuật số hiện đại và phát triển, cũng như những thách thức của việc sáng tạo ra một lộ trình tiếp cận thị trường hiệu quả. Tất cả những thứ đó tạo nên một môi trường thú vị cho bất cứ người nào làm marketing.

Bên cạnh đó, vai trò của tôi ở Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng rất đặc biệt: rất ít công việc đem đến nhiều cơ hội để định hình một doanh nghiệp như vị trí Giám đốc Marketing tại đây, từ việc phát triển các chiến lược cho thương hiệu đến những nhiệm vụ hết sức cụ thể như thúc đẩy kinh doanh hàng ngày. Với một công việc có cả những cơ hội lẫn thách thức đa dạng và lớn lao như vậy, tôi có thể áp dụng những gì mình đã tích lũy được qua nhiều năm đồng thời học hỏi thêm nhiều điều mới.

- Xét về một mức độ nào đó thì luôn có sự khác biệt về môi trường kinh doanh, về văn hóa doanh nghiệp giữa Đức và Việt Nam. Ông đã gặp phải sự mâu thuẫn nào với người sáng lập - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Number 1 Trần Quí Thanh hay không? Có sự khó khăn nào khi áp dụng các lý thuyết, kinh nghiệm ở châu Âu vào thực tế Việt Nam?

- Sự khác biệt về văn hóa đương nhiên là rất lớn, song sau khi đã làm việc ở nhiều nước khác nhau, trong đó có hơn 10 năm ở châu Á và chịu trách nhiệm về thị trường ở tất cả các châu lục, đối với tôi không khó để thích ứng môi trường ở Việt Nam. Trong những vị trí công tác trước đây, tôi từng phụ trách thị trường Việt Nam 2 lần. Sự khác biệt lớn nhất, theo tôi, đó chính là về cấu trúc thương mại: việc điều hành kinh doanh ở Việt Nam đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo về cơ cấu bán lẻ ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực này, Tổng Giám đốc của Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh là một người sếp rất sáng suốt, giàu kinh nghiệm và hay giúp đỡ. Được làm việc với ông ấy là một phần thưởng lớn đối với tôi. Đương nhiên, tùy từng tình huống chúng tôi có những quan điểm khác nhau, phương pháp tiếp cận và ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi đều là những người biết lắng nghe và cởi mở. Bởi thế, chúng tôi luôn tìm được nền tảng chung để đưa mình đến những giải pháp tốt nhất.   

 - Việc sử dụng đội ngũ quản lý là các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực marketing, nhất là từ một nước tiên tiến như Đức, cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Number 1. Ông có thể đánh giá về khả năng vươn ra châu Á và những thị trường lớn trên thế giới của Tân Hiệp Phát - Number 1?

- Đây quả là một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc lớn vào chiến lược của chúng tôi, bao giờ, khi nào và mở rộng thị trường ra khỏi phạm vi Việt Nam như thế nào. Chúng tôi có những sản phẩm tuyệt vời với tiêu chuẩn quốc tế và tôi hoàn toàn tự tin về chúng, bởi vậy những gì cần làm để thành công ở nước ngoài là một phương pháp bán hàng và tiếp thị tốt. Về điểm này thì Việt Nam vẫn đưa lại những cơ hội vô hạn cho chúng tôi. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo tập đoàn có thể chuyển hướng sang các thị trường quốc tế và chúng tôi nỗ lực tập trung vào đó, tôi tự tin rằng chúng tôi có thể thành công với những thị trường nhất định.

- Với kinh nghiệm dày dặn trong môi trường kinh doanh quốc tế, ông có nhận xét gì về đội ngũ nhân sự ở Tân Hiệp Phát - Number 1, hay rộng hơn là chất lượng nhân sự ở Việt Nam? Họ có đủ phẩm chất và năng lực để đưa thương hiệu quốc gia của Việt Nam vươn ra thế giới hay không? Tân Hiệp Phát - Number 1 có cạnh tranh được với những người khổng lồ trên thế giới trong lĩnh vực nước giải khát không? 

- Tôi ấn tượng nhất với người Việt Nam ở sự hăng hái, sự cầu tiến và sẵn sàng học hỏi của họ. Người Việt Nam say mê học hỏi hơn, nhất là học hỏi từ người khác. Thị trường đang phát triển rất nhanh và vì thế điều quan trọng là mọi người phải giữ được được sự tò mò, cởi mở và chuyển động nhanh. 

Tôi tin rằng sẽ có ngày càng nhiều công ty, thương hiệu và sản phẩm được đưa vào thị trường Việt Nam. Quá trình cạnh tranh sẽ phụ thuộc vào việc ai có thể tạo ra và khai phá những cơ hội tốt nhất, ai có thể tiếp cận và giành được khách hàng cũng như người tiêu dùng. Về mặt nguyên tắc, các công ty quốc tế có một lợi thế là họ có nguồn tài chính dồi dào, nhưng ưu điểm của các công ty Việt Nam là họ hiểu người tiêu dùng Việt Nam. Thật khó để nói rằng ai sẽ thắng.  

- Dường như người Đức ai cũng mê bóng đá, ông thì sao? Có sự liên hệ nào giữa bóng đá và marketing không? Cũng giống như câu chuyện Tập đoàn Number 1 - Tân Hiệp Phát là nhà tài trợ chính cho Giải bóng đá học sinh THPT quy mô nhất Thủ đô Hà Nội - do Báo An ninh Thủ đô tổ chức - với nhãn hàng Number 1 Active đồng hành có sức lan tỏa và hiệu ứng rất tốt, thưa ông.     

- Ồ, về điểm này thì bạn nói đúng, tôi rất thích xem và chơi bóng đá. Đây chắc chắn là một điểm chung mà người Đức và người Việt Nam rất giống nhau. Đối với tôi, bóng đá là con đường tốt nhất để đưa mọi người ở các quốc gia, các dân tộc, các nền tảng khác nhau xích lại gần nhau. Bóng đá là một môn thể thao đầy tính cạnh tranh, cạnh tranh trong thi đấu và kết quả, và một phần rất quan trọng là sự hỗ trợ đúng đắn; nó thật thú vị và hướng đến con người. Nói vậy nghĩa là tôi không cần phải giải thích thêm về sự liên quan giữa bóng đá với marketing nữa, đúng không? 

Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Number 1 được biết đến với trách nhiệm xã hội lớn lao, như việc tài trợ cho nhiều chương trình giúp xây dựng và cải thiện các cộng đồng địa phương ở khắp mọi miền. Đối với giải bóng đá học sinh THPT do Báo An ninh Thủ đô tổ chức, tôi thấy tự hào vì có thể đóng góp vào thành công của một giải đấu đã có bề dày 17 năm như vậy. Và tất nhiên, tôi hy vọng rằng thanh thiếu niên Việt Nam sẽ có cơ hội để chơi bóng ở đẳng cấp quốc tế và đưa bóng đá Việt Nam ra sân cỏ thế giới, như World Cup.

- Tân Hiệp Phát - Number 1 luôn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với nhiều hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng, như tài trợ tiền xây 24 cây cầu giúp người dân vùng sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long đi lại bớt khó khăn. Có mâu thuẫn gì giữa lợi nhuận của doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội không? Nếu có, theo ông, làm thế nào để dung hòa?

- Thực ra tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được cống hiến cho một công ty có nhiều đóng góp cho cộng đồng địa phương và tôi nghĩ tất cả nhân viên của tập đoàn Tân Hiệp Phát đều như vậy. Khi chúng tôi làm những việc đó, khách hàng cũng ý thức và hiểu hơn về các giá trị, niềm tin, hành động và trách nhiệm của công ty, để từ đó đưa ra quyết định lựa chọn người mà họ tin rằng “đang làm những điều đúng đắn”.

Bởi thế, nếu chúng tôi lựa chọn đúng động cơ và chia sẻ một cách có trách nhiệm, cả nhân viên lẫn khách hàng của chúng tôi sẽ ủng hộ chúng tôi nhiều hơn, để việc thực hiện trách nhiệm cộng đồng của tập đoàn Tân Hiệp Phát không chỉ đưa đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người mà đồng thời mang đến hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho chính tập đoàn.

- Cảm ơn và chúc ông sẽ cùng Tân Hiệp Phát - Number 1 đạt được nhiều thành tựu hơn.