"Khắc tinh" của bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

ANTĐ - Điều trị uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh đòi hỏi người thầy thuốc phải có “nghệ thuật”, là bởi với chứng bệnh này, thuốc điều trị không phải là điều kiện tiên quyết mà quan trọng nhất là điều chỉnh lượng thuốc cho phù hợp với từng bệnh nhân. 25 năm qua, vị bác sỹ ấy đã cứu sống được rất nhiều trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn, chặng đường dài đôi lúc cũng lắm tréo ngoe…

"Khắc tinh" của bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh ảnh 1Bác sỹ Sơn thăm khám bệnh cho các bệnh nhi ở Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An

Động lực chiến đấu với căn bệnh đáng sợ

Người chúng tôi nhắc đến là bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây - Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Bác sỹ Sơn được biết đến như là “khắc tinh” của bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh. Năm 1990, bác sỹ Sơn chuyển về công tác tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Dù không có báo cáo hay giấy tờ nào lưu lại nhưng vào thời điểm đó, bệnh nhi nào mắc phải uốn ván rốn thì coi như cầm chắc cái chết. Nguyên nhân dẫn đến uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là do việc vệ sinh rốn và dụng cụ cắt rốn không đảm bảo. Bệnh nhi càng nhỏ, càng ít ngày tuổi thì càng dễ nhiễm bệnh. Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có biểu hiện rất đặc thù với những biểu hiện là các cơn co giật liên tục, chỉ kích thích nhẹ, tiếng động nhẹ cũng khiến bệnh nhi co giật, tăng tiết đờm dãi, tím tái. 

Việc điều trị cho các bệnh nhi bị uốn ván rốn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sử dụng thuốc để chữa trị không tuân theo một liều lượng cụ thể nào vì mỗi bệnh nhi cần liều lượng thuốc riêng cho phù hợp. Bác sỹ Sơn cho biết: “Sử dụng thuốc để điều trị uốn ván rốn cho các bệnh nhi rất phức tạp bởi nếu cho đúng liều thì mới cắt được cơn co giật, không đủ liều thì cơn co giật không dứt mà quá liều thì bệnh nhi sẽ lịm dần và hôn mê. Bởi vậy, việc dùng thuốc điều trị uốn ván rốn ở bệnh nhi đòi hỏi các bác sỹ phải có “nghệ thuật”. 

Ngoài việc sử dụng thuốc, việc chăm lo ăn uống ở các bệnh nhi này cũng rất phức tạp. Thông thường, các bệnh nhi đều được đặt ống xông để đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày. nhưng chỉ cần tiếng động nhẹ cũng kích thích trẻ co giật, gây co thắt dạ dày dẫn đến nguy hiểm trong lúc bệnh nhi được cho ăn. 

Thời điểm bác sỹ Sơn vừa về công tác tại bệnh viện, ông đã cứu chữa cho hai bệnh nhi là cháu Nguyễn Thị Quỳnh 7 ngày tuổi và cháu Nguyễn Thị Duyên 5 ngày tuổi đều trú ở huyện Nghi Lộc. Bé Quỳnh và Duyên lúc đó đều bị uốn ván với biểu hiện co giật, tím tái, không bú được. Sau khi nhập viện, hai bệnh nhi này được bác sỹ Sơn điều trị và chăm sóc. Sau gần 1 tháng điều trị, hai bệnh nhi này đã bình phục và xuất viện. “Việc điều trị, cứu sống hai bệnh nhi Quỳnh và Duyên đã đem lại niềm vui và động lực để chúng tôi chinh chiến với căn bệnh đáng sợ này”, bác sỹ Sơn cho biết. 

Có lần dọa báo công an để giữ bệnh nhi lại

Điều trị uốn ván rốn sơ sinh cần rất nhiều thời gian và kiên trì. Bởi lẽ đó, có nhiều trường hợp các bé bị bệnh khi được đưa xuống bệnh viện vài hôm thấy không đỡ bố mẹ đòi đưa về. Những lúc này, các bác sỹ lại kiên quyết giữ các bệnh nhi lại để cứu chữa. “Có trường hợp chúng tôi phải “dọa” báo công an thì người nhà mới chịu để các bệnh nhi lại”, bác sỹ Sơn giãi bày.

Trong cuộc hội thảo truyền nhiễm toàn quốc tại Đà Lạt mới đây, bác sỹ Sơn gây ngạc nhiên khi mang đến video clip ghi lại hình ảnh bệnh nhi bị uốn ván rốn được chữa khỏi mà không cần máy thở. Theo ông, những bệnh nhi này được để co giật trong phạm vi phù hợp để tăng tiết đờm dãi, không bị bít đường thở. Suốt 25 năm chiến đấu với căn bệnh nhiễm trùng uốn ván rốn, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn và các đồng nghiệp ở Khoa Lây - Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi đã cứu sống 30 trẻ sơ sinh.

Trong số những bệnh nhi nhập viện điều trị do uốn ván rốn sơ sinh từ ngày bác sỹ Sơn về công tác, ước chừng khoảng 90% số ca bệnh được chữa khỏi. Đây là con số đáng mơ ước và là thành quả của người bác sỹ tận tâm với nghề.