Khắc phục nhanh yếu kém của thủy điện

ANTĐ - Chiều 21-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH. Trước khi bước vào phần chất vấn trực tiếp, Thủ tướng đã phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề các ĐBQH đã nêu trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Chất vấn Thủ tướng, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) hỏi: “Quốc hội đã đồng ý nâng trần bội chi ngân sách song vẫn lo lạm phát cao quay trở lại. Giải pháp của Chính phủ?”. 

Thủ tướng trả lời: “Đây là băn khoăn của nhiều ĐBQH. Có ĐBQH còn lo có trả nợ được không. Tôi giải trình là nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu thì mục tiêu - tăng trưởng GDP 5,8% của năm 2014, kiểm soát lạm phát ở 7%, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn - là khả thi”.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) và ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cùng hỏi: “Nợ đọng văn bản hướng dẫn luật kéo dài nhiều năm, giải pháp của Chính phủ? Chính phủ có xử lý trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật?”. Thủ tướng giải đáp: “Tình hình nợ văn bản thực tế đã diễn ra nhiều năm nhưng đến cuối năm 2012, Chính phủ chỉ còn nợ 27 văn bản. Năm 2013, cần tới 129 văn bản thi hành 38 luật, pháp lệnh. Tới ngày 20-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo còn nợ 19 văn bản, tức là đã ban hành 110 văn bản. Còn hơn 1 tháng cuối năm, tôi sẽ thúc đẩy ban hành số còn lại. Chính phủ sẽ cố gắng hết sức...”. 

Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ đã có 4 giải pháp khắc phục. Trước hết là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, từ Thủ  tướng tới bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ… Vừa qua, Chính phủ thực hiện tốt giải pháp này nên tiến độ đã được đẩy nhanh hơn.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) về “thủy điện đang gây ra nhiều hệ lụy, giải pháp khắc phục nhanh các yếu kém trong lĩnh vực này?”, Thủ tướng cho biết: “Bên cạnh những mặt tích cực, thủy điện đã xuất hiện những bất cập trong cả quy hoạch, đầu tư, thi công, di dân, tái định cư, bảo vệ môi trường sinh thái...”.

Phân tích những nguyên nhân của các yếu kém này, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục. Thủ tướng nói: “Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, tiếp tục phát huy mặt tích cực của thủy điện, đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục nhanh, có hiệu quả những tồn tại, yếu kém. Dự án thủy điện phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội – môi trường sinh thái – an toàn”.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo 3 nhóm giải pháp lớn. Với các nhà máy đang vận hành, phải rà soát, đánh giá lại an toàn hồ đập. Nếu không an toàn phải ngừng hoạt động. Phải bổ sung các quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt cho phù hợp điều kiện thực tế. Cần công khai cho nhân dân biết quy trình này. UBND các địa phương phải tăng cường thực hiện trách nhiệm của mình, buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa. Ai thực hiện không đúng phải xử lý nghiêm theo quy định. Tiếp đó, phải bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ di dân tái định cư thủy điện và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại diện tích rừng đã mất do làm thủy điện. 

Với các dự án đang xây dựng, Chính phủ đã yêu cầu rà soát thiết kế xem an toàn không, phương án tái định cư có đúng pháp luật không, phương án trồng lại rừng cụ thể như thế nào... làm sao để dự án đi vào hoạt động phải đảm bảo 4 mục tiêu như trên. Với số dự án nằm trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng, Chính phủ sẽ quản lý quy hoạch chặt chẽ hơn, trách nhiệm cao hơn. Quy hoạch thủy điện trong cả nước do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý. Việc chấp thuận để khởi công xây dựng dự án mới phải chặt chẽ hơn. Tùy theo quy mô, các dự án sẽ phải thẩm định kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Còn khá nhiều câu hỏi của các ĐBQH đã nêu song thời gian trả lời chất vấn đã hết, Thủ tướng cam kết, các câu hỏi này sẽ được trả lời đầy đủ bằng văn bản và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Đưa ra khỏi ngành y cá nhân không xứng đáng

Nói về vấn đề y đức, Thủ tướng cho biết, hiện nay, ngành y tế có hơn 500 nghìn cán bộ nhân viên, trong đó có trên 60 nghìn bác sỹ. Hầu hết cán bộ y tế có tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với người bệnh và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Tuy nhiên, vẫn còn cán bộ y tế suy thoái về đạo đức, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy thuốc và uy tín của ngành y. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao đạo đức phẩm chất, y đức của đội ngũ cán bộ y tế. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc.\