Khắc phục hậu quả bão số 12: Cấp khoảng 1.000 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại nặng

ANTD.VN - Chiều nay (6 -11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12.

Khắc phục hậu quả bão số 12: Cấp khoảng 1.000 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại nặng ảnh 1

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả nặng nề cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12

Thiệt hại do bão số 12 gây ra là rất lớn, cả về người và cơ sở vật chất. Tới nay, có 46 người chết, 15 người mất tích, trên 1.800 nhà bị sập. Tại nhiều tỉnh, hệ thống điện lưới, hệ thống thông tin bị tê liệt… Để nhanh chóng khắc phục thiệt hại, giúp người dân ổn định cuộc sống, chiều nay (6 -11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12.

Thiệt hại lớn do phương án ứng phó chưa sát thực tế

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tình hình bão lũ ở miền Trung thiệt hại rất nghiêm trọng. Ban chỉ đạo Trung ương đã có chế độ thông tin kịp thời. Thủ tướng, Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, tình hình bão lũ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, vì vậy, cuộc họp hôm nay tiếp tục bàn biện pháp xử lý trực tiếp các vấn đề tiếp theo trước tình hình mưa lũ từ Thừa Thiên-Huế đến Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 12 là cơn bão mạnh kèm theo mưa lớn đổ bộ thẳng vào Nam Trung Bộ, về cường độ cơn bão này tương đương cơn bão số 10, tuy nhiên cơn bão này đổ bộ thẳng vào Khánh Hòa, nơi nhiều năm qua không có bão nên mức độ tổn hại lớn về người và của.

Thống kê đến chiều 6-11, bão và hoàn lưu sau bão đã làm 46 người chết, 15 người mất tích. Mưa bão cũng làm sập trên 1.300 căn nhà, trên 110 nhà tốc mái, hư hỏng...

Lý giải nguyên nhân thiệt hại lớn về người và tài sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, một số cấp chính quyền địa phương và người dân chưa tập trung cao độ, chưa quyết liệt và thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn. Phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương  án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở nhiều cơn bão, đặc biệt là bão số 12 còn nhiều bất cập. Nhiều khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão quá tải, không đủ cho các tàu thuyền vào, đặc biệt là tàu vãng lai, tàu vận tải. Thông tin, kiểm soát tàu vận tải, tàu vãng lai trong các đợt bão, lũ còn hạn chế nên thường xảy ra các sự cố gây rất nhiều thiệt hại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trọng tâm hiện nay là ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là an toàn hồ chứa: “Ban chỉ đạo đã cử ba đoàn đi kiểm tra thực tế tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện nay phải tiếp tục dồn sức vào bảo vệ hồ, điều hành hồ, sơ tán dân. Có nhiều hồ nước vẫn lên, vẫn phải chủ động sơ tán dân, đề phòng khả năng xấu nhất”.

Đề nghị hỗ trợ 26.000 tấn gạo

Trước tình hình thiệt hại nặng nề do bão, mưa lũ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 26.300 tấn gạo (Bình Định: 1.000 tấn, Phú Yên: 300 tấn, Khánh Hòa 25.000 tấn); 350 cơ số thuốc (Bình Định: 50, Phú Yên: 300); 7 tấn hóa chất lọc nước và 200.000 viên cloraminB và 400.000 viên Aquatabs; 100 tấn và 80.000 lít hóa chất khử trùng. Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí 1.625 tỷ đồng (Bình Định: 150 tỷ đồng, Phú Yên: 320 tỷ đồng, Khánh Hòa: 1.155 tỷ đồng) để các địa phương này khắc phục hậu quả.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bão số 12 gây thiệt hại rất nặng nề, hiện nay đã có 61 người chết và mất tích do bão. Sau lũ lụt là dịch bệnh, đói kém, cản trở phát triển.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, để dân không bị đói, màn trời chiếu đất, dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, đặc biệt đảm bảo hoạt động Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Các cơ quan chức năng cần coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ví dụ lực lượng quân đội ở Quân khu 5 dừng công tác huấn luyện để tập trung hỗ trợ dân.

Trong đó, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động lực lượng đảm bảo điện cho nhân dân sinh boạt. Quân đội huy động lực lượng dựng lại nhà cho nhân dân bị sập đổ, hư hỏng. Đảm bảo giao thông thông suốt; đủ thuốc chữa bệnh. Tiếp tục theo dõi chặt tình hình các hồ chứa. Tập trung tìm kiếm người mất tích. Các địa phương tuyệt đối không được để người dân đứt bữa, đói cơm, lạt muối.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng quyết định giải quyết một lượng gạo cần thiết cho các địa phương. Địa phương bị thiệt nặng sẽ được hỗ trợ 500 tấn, địa phương nhẹ 100 tấn. Ưu tiên cấp khoảng 1.000 tỷ đồng kinh phí cho các địa phương bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 12 vừa qua, như Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

"Phải giải quyết gạo đến dân nhanh nhất, thuốc đến dân sớm nhất, phải làm ngay, đừng để xảy ra sự cố rồi, gạo và thuốc mới đến dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự báo lại có áp thấp nhiệt đới ở biển Đông

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước những diễn biến phức tạp về bão, mưa lũ, Bộ đã chỉ đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tập trung cao lực lượng, thực hiện dự báo và phát tin dự báo kịp thời.

“Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, cuối tuần này có thể có những hình thế thời tiết ảnh hưởng xấu tiếp, ngày 12 đến 13-11 có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tiếp tục gây mưa, gây lũ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý.