Kỷ niệm 69 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2016)

Khắc khoải Vị Xuyên

ANTĐ - Đường lên Hà Giang đã tốt lên rất nhiều so với câu chuyện được những người đi trước kể lại.

Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên hy sinh trong thời kỳ 1979 - 1989 

Bắt đầu từ huyện Bắc Quang, huyện đầu tiên của tỉnh Hà Giang sau khi ra khỏi địa phận của tỉnh Tuyên Quang, con đường quốc lộ 2 giờ đã được trải nhựa phẳng lỳ và chạy sát với sông Lô. 

Dọc bên đường những bông hoa gạo nở rực, tựa như ngàn vạn chiếc bóng đèn màu đỏ soi xuống sông Lô. Màu đỏ của hoa gạo làm sáng bừng lên màn trời còn đôi chút mờ mờ hơi sương. Hè đã sang. Tự dưng trong lòng lại bật lên câu thơ thuở nào tôi đã viết trong trí tưởng tượng “Sông Lô bờ đá dựng/ Nẻo lau ngút ngát đưa/ Đôi bờ hoa gạo đỏ/ Nở như chưa bao giờ…”. 

Trở lại Vị Xuyên lần này làm tôi nhớ đến đợt cùng đoàn công tác của Báo An ninh Thủ đô lên Hà Giang làm một bộ phim tài liệu. Câu chuyện đại khái thế này: Năm 1955, ông Nguyễn Văn Giao hay còn gọi là Diu, một chiến sĩ trẻ quê Nam Định, được tổ chức của ta cài vào hàng ngũ địch. Ông Diu thông qua vài người trong họ “trốn” xuống Hải Phòng (khi đó Hải Phòng là khu vực 500 ngày), anh thanh niên tên Diu làm thân với nhóm người công giáo đang tập trung ở đó và bày tỏ nguyện vọng di cư vào Nam.

Sau khi vào Nam ông Diu được huấn luyện và được tung trở ngược ra Bắc cùng toán biệt kích mật danh T47. Toán biệt kích nhanh chóng bị ta vây bắt, dĩ nhiên là có mật báo. Oái oăm thay, sau khi được thả về quê, dĩ nhiên là với lý do địch không phát hiện ra, ông Diu lại bị “oan khuất”.

Thật không may ông Diu lại mất hết mọi giấy tờ do trên đường đi bị lũ cuốn. Cực chẳng đã vì bị bài xích ở quê ông Diu đành dắt díu vợ con lên huyện Vị Xuyên sinh sống. Suốt mấy chục năm “là người của địch” nên ông Diu và vợ con vô cùng thiệt thòi. Rất may, như một sự tình cờ, ông Diu được một vài cán bộ của ta nhận ra và tìm cách minh oan. 

Câu chuyện minh oan cho ông Diu được bộ phim của chúng tôi phản ánh, trong đó nổi bật là hình ảnh đầy trách nhiệm và hết lòng vì con người của cán bộ công an Hà Nội làm công tác “tàng thư”. Họ đã tìm ra sự thật giữa bộn bề hồ sơ. Ông Diu chính thức được minh oan. Bộ phim này đoạt giải vàng Liên hoan Truyền hình công an nhân dân. Đoạt giải nhất giải báo chí Ngô Tất Tố và giải C giải báo chí quốc gia năm 2008. Một chuyến đi với nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Còn nhớ mùa hè năm 1984, từ mảnh đất Hà Giang (khi ấy còn là tỉnh Hà Tuyên) những tin tức nóng hổi về cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc của quân dân Vị Xuyên trở thành mối quan tâm hàng đầu của hết thảy mọi người Việt Nam. Cái tên Vị Xuyên mỗi khi nói lên đều nhói đau trong lòng. Và Vị Xuyên cũng từ đó luôn khắc khoải trong tâm trí tôi.

Dạo đó, tôi đang là lính trinh sát trực “đài quan sát pháo binh” trên điểm cao 600 thuộc mặt trận Bình Liêu, Quảng Ninh. Hướng chúng tôi chốt giữ, quân Trung Quốc có phần “im ắng” nên những tin tức nóng bỏng và dữ dội từ Vị Xuyên vọng về càng làm cho chúng tôi nóng ruột. Cảm giác thèm được chia lửa với đồng đội cứ dày lên theo ngày tháng.

Thời gian đúng là một vòng quay không ngưng nghỉ. Thoắt cái đã mấy chục năm, tôi mới trở lại Vị Xuyên. Những ngày cuối tháng 6-2016 này thật dễ chịu. Nắng lên cao và tầm mắt cũng đầy phóng khoáng. Trời xanh và mây trắng. 8 năm trước chúng tôi lên Vị Xuyên, màn trời còn đùng đục. Dạo đó tôi đứng giữa khu đô thị mới Thanh Thủy ngước nhìn lên dãy núi trước mặt chỉ thấy mây mù “ngăn lối”.

Tôi nhìn mà lòng đầy băn khoăn nên cứ hỏi đi hỏi lại anh con trai thứ tư của ông Diu, người tha thiết mời chúng tôi lên Thanh Thủy thăm nhà, đâu là điểm cao 1050? Đâu là điểm cao 722? Đâu là những điểm cao đã đi vào tâm tưởng của những ai từng biết đến Vị Xuyên của những năm tháng hào hùng, đau thương của thời kỳ 1984-1989. Bùi ngùi nhớ Vị Xuyên, nhớ đến những đồng đội đã nằm lại chính nơi này, cho hôm nay chúng tôi ngồi đây bình thản. Một cảm giác là lạ như một nỗi nhớ khôn khuây.

Nắng tháng 6 đang mở ra muôn vàn góc độ. Mọi hình ảnh đều rõ nét và chân thực đến sâu sắc. Lễ khánh thành “Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên hy sinh trong giai đoạn 1979-1989” diễn ra dưới nắng nhưng đầy trang nghiêm và xúc động. Một buổi lễ không quá nhiều cờ hoa, không dàn nhạc tấu lên những bản hùng ca rạo rực, vậy mà lại đầy ắp tâm tư.

Những người lính trận năm xưa, tóc điểm bạc dường như tươi lên trong những bộ quân phục gợi nhớ một thuở. Những người thân của các liệt sĩ, mắt chất chứa nhìn lên những đỉnh núi cao vợi. Trong mắt của họ, dường như ở trên cao đó có bóng dáng của những người con, người chồng, người cha, người em… những chiến sĩ mãi vùi máu thịt mình vào đá núi Vị Xuyên. Máu của họ đã nhuộm lên màu xanh hôm nay trên mảnh đất từng bị đạn thù cày trắng như vôi.

Chuyến trở lại này mặc dù được hẹn trước nhưng vẫn khiến tôi tràn đầy cảm xúc. Đó là khi chúng tôi cùng đoàn cựu chiến binh Vị Xuyên lội bộ lên bình độ 600, thuộc địa bàn thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy. Bình độ này được địa phương và Ban liên lạc chiến sĩ Vị Xuyên thống nhất chọn làm địa điểm xây dựng Nhà tưởng niệm. Đứng từ bình độ 600 nhìn ra xung quanh, tôi như sống lại những ngày tháng âm thầm chiến đấu quật cường của các chiến sĩ ta. Bên trái là điểm cao 722, với biệt danh “lò vôi thế kỷ”.

Trước mặt là điểm cao 1509, điểm cao1050, điểm cao 800…, những điểm cao từng được bộ đội ta hồi đó ví là “cối xay thịt”, là “đồi thịt bằm”. Ông Trương Minh Tuấn, một cựu chiến binh biên giới phía Bắc, người nhiều lần đi đi lại lại Vị Xuyên với nhiều trăn trở, dậm dậm chân nói với chúng tôi bằng giọng nghèn nghẹn: “Chính chỗ này, chỗ chúng ta đứng thắp hương này năm xưa là một hầm chốt… 9 chiến sĩ ta đã hy sinh ở đây”. 

Tôi chợt nhận ra Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, ông ngồi im lặng trên chiếc ghế kê đối diện với nhà tưởng niệm. Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, trước khi nghỉ hưu là Giám đốc Học viện Quốc phòng và trước khi làm Giám đốc Học viện Quốc phòng ông là Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Tôi nói với Trung tướng: “Báo cáo thủ trưởng em biết tiếng của thủ trưởng từ hơn 40 năm trước. Biết từ hồi em huấn luyện ở Mai Sưu”.

Dường như câu chuyện của tôi làm tướng Hoạt phấn chấn, ông hỏi tôi “Cậu ở 568?”. Dạo mới nhập ngũ tôi được huấn luyện ở trung đoàn 568, quân khu Tả Ngạn. Trung đoàn 568 đóng sâu trong rừng Mai Sưu thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc khi đó. Điều làm tôi ấn tượng chính ở chỗ cánh lính binh nhì chúng tôi được giới thiệu về truyền thống của trung đoàn: Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Như Hoạt từng là chiến sĩ của Trung đoàn 568. Ông được đề bạt thẳng từ trung đội trưởng lên tiểu đoàn trưởng sau khi chỉ huy tiểu đoàn giành chiến thắng trong một trận đánh. Hồi đó ông là hình ảnh ao ước của cánh lính trẻ đang hăng hái được vào trận.

Đường “lên chốt” hôm nay đã dễ đi hơn rất nhiều. Xe ô tô có thể lên tới bình độ 600 cả chục chiếc một lúc, còn xe máy thì đi xa hơn, cao hơn, đi tới tận những thôn bản cheo leo nằm sát đường biên. Chính quyền tỉnh Hà Giang, chính quyền huyện Vị Xuyên nhiều năm nay đã bỏ khá nhiều công sức và vật chất để mọi con đường “lên chốt” đều có thể lên xuống dễ dàng.

Âu cũng phải thôi, công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc Vị Xuyên đã đổi thay từng ngày. Chẳng đâu xa, chính tại khu vực “ngã ba máu”, ngã ba Thanh Thủy đã hình thành một khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Hà Giang. Khu kinh tế này là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch có cơ sở hạ tầng đồng bộ, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Có khu kinh tế cửa khẩu, bộ mặt xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên cũng rạng rỡ hẳn lên, hình ảnh tan hoang và chết chóc năm nào giờ như một cuộc “lột xác” ngoạn mục. Nó cho phép xóa đi sự xa xôi của miền biên viễn cực Bắc của Tổ quốc. Làm xích gần lại tình cảm mọi miền quê. Cảm giác bình yên và xây dựng luôn dâng tràn.

Lên tới khu vực Nhà tưởng niệm, đoàn người tỏa đi khắp bình độ 600 với nhiều tâm trạng khác nhau nhưng tựu trung cùng một tình cảm nhớ thương những người đã khuất. Ngay sau lưng am thờ nhỏ mới nguyên màu sơn, còn nghi ngút khói hương, tôi bắt gặp một tốp cựu chiến binh chừng 5, 6 người đang ngồi quây quần nói chuyện. Các anh ăn mặc giản dị, không huân chương lấp lánh trên ngực, không ôm những bó hoa tươi sắc. Tốp cựu chiến binh lặng lẽ ngồi hút thuốc, thi thoảng mới thấy ai đó khẽ nấc lên nghẹn ngào. Hình như họ đang sống với “năm tháng của mình”, năm tháng ít người nhắc tới.

Được xây dựng chỉ trong thời gian 7 tháng 9 ngày kể từ khi bình độ 600 chính thức được chọn. Hôm nay có thể tự hào nói rằng: Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, một tòa nhà khá bề thế được làm theo dáng đình làng xưa gần như đã hoàn thành. Hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 32 năm trước, ngày 12 tháng 7 năm 1984, quân Trung Quốc đồng loạt nổ súng đánh sang Vị Xuyên - Yên Minh.

Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên hy sinh trong thời kỳ 

1979-1989 như một điểm nhấn giữa vùng biên ải. Quay mặt về hướng biên cương, hướng đó là các điểm cao một thời máu lửa, nhà tưởng niệm thực sự là “cột mốc tâm linh” sừng sững nơi biên ải, như một lời nhắc ghi ơn về chiến công và sự hy sinh của những người con mọi miền nước Việt. Tôi ngước nhìn những dãy núi trước mặt, tự trong lòng bật lên câu thơ: 

“Tôi ngước nhìn trùng điệp biên cương núi núi lô nhô như những ngón tay vươn cao của ngàn vạn bàn tay gắn trên mình đất nước tôi gọi tên những Vịnh, Thắng, Hùng, Kha… tôi gọi tên những Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Hà Bắc…những cái tên hiền lành chân chất tụ về đây hợp thành màu-đất-Vị Xuyên…”.

Hà Nội, trong những ngày tháng bảy