Khả quan, không chủ quan

ANTĐ - Chỉ số giá tiêu dùng được coi là “nhiệt kế” đo độ nóng lạnh (lạm phát hay suy thoái) của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm nay đã tăng 0,16% so với tháng 2-2012 và tăng 2,55% so với tháng 12-2011. Có thể rút ra nhận xét gì từ tốc độ tăng chậm lại của CPI?

Theo phân tích của giới chuyên gia, sự chậm lại của CPI tháng 3 có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do yếu tố cầu kéo giảm sức ép lên lạm phát. Có nguyên nhân do chi phí đẩy từ yếu tố tỷ giá không còn tác động mạnh như cùng kỳ năm trước, do tỷ giá được giữ ổn định trong thời gian qua. Cũng có nguyên nhân do tác động của giá lương thực giảm 3 tháng liền, một hiện tượng hiếm thấy vào dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt ở miền Bắc. Còn có nguyên nhân do sức ép của yếu tố tâm lý về lạm phát không còn cao như cùng kỳ năm trước khi đồng nội tệ không còn dồn ồ ạt vào tìm nơi “trú ẩn” an toàn là vàng và đô la Mỹ như trước.

Sự chậm lại của CPI trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm, dưới góc nhìn của giới phân tích, là tín hiệu tương đối khả quan về khả năng đạt mục tiêu CPI cả năm nay tăng dưới 10%. Dẫu khả quan nhưng chưa hề chủ quan, lơ là trong việc kiềm chế lạm phát, bởi vẫn tồn tại những yếu tố gây áp lực lên lạm phát. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các loại hàng hóa và dịch vụ, nhất là xăng dầu, điện, than, dịch vụ y tế, phí giao thông…

Tiếp tục đi theo lộ trình này là tất yếu khi chấp nhận nền kinh tế thị trường. Song, không thể lãng quên hai điểm hết sức quan trọng: cần tạo điều kiện cho cạnh tranh sòng phẳng, chống độc quyền và tránh tình trạng điều chỉnh giá khi bị dồn dập với tốc độ cao, khi thì đột ngột giật cục. Cũng không thể không “để mắt” đến giá xăng dầu  thế giới đang “nhấp nhổm” xu thế tăng, tất nhiên sẽ lại đẩy giá  xăng dầu vọt lên. Mặt khác, giá lương thực sẽ  không còn đứng yên một chỗ với việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo và xuất khẩu gạo có xu hướng tăng lên cả về lượng và giá cả. Ngoài những cảnh báo trên, một điều đáng quan tâm là lộ trình hạ mặt bằng lãi suất, đặc biệt là hạ lãi suất cho vay để “giải cứu” sản xuất kinh doanh khỏi nguy cơ đình trệ, phá sản và “cứu” người lao động khỏi tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm. Nguồn vốn đầu tư công tính theo giá trị thực tế chỉ tăng nhẹ, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì giảm khá sâu có thể lên đến hàng chục phần trăm.

Nguồn vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước cũng gặp khó khăn do phải thoái vốn từ các lĩnh vực ngoài ngành, lợi nhuận cho tái đầu tư không nhiều. Nguồn vốn ngoài Nhà nước cũng eo hẹp, khi số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản từ đầu năm 2011 đến nay đã lên tới 50.000. Chỉ riêng hai tháng đầu năm nay, đã có 500 doanh nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM đăng ký giải thể. Theo một chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, sự phá sản cho thấy, mô hình cũ, lợi thế cũ đã đến giới hạn, nếu không thay đổi thì sẽ… chết. Càng cần thấy rằng, trong nhiều doanh nghiệp phá sản, có những doanh nghiệp “chết giả” vì chỉ tồn tại để tranh thủ lợi thế ngắn hạn, dựa vào lợi ích nhóm. 

Trong cơ chế thị trường, sự phá sản của doanh nghiệp là chuyện bình thường, không thể tránh được. Hậu quả để lại không nhỏ, nhưng đây cũng chính là cơ hội để thay đổi hình thức quản lý, hình thức sở hữu, tức là tái cấu trúc doanh nghiệp. Một xu thế không thể đảo ngược vì sức đề kháng quá yếu, sức cạnh tranh quá kém.