Kêu gọi người dân "tố" thực phẩm bẩn

ANTĐ - Bắt đầu từ 15-11, Hà Nội và TP.HCM sẽ chính thức triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các quận/ huyện, xã/ phường. Cùng với sự gia tăng hoạt động của cơ quan chức năng, ngành y tế kêu gọi người dân cùng vào cuộc, đấu tranh mạnh mẽ hơn với hành vi vi phạm.
Kêu gọi người dân "tố" thực phẩm bẩn ảnh 1

Kiểm tra ATTP tại Hà Nội

85% người dân biết nhưng không tố cáo

Kết quả một cuộc điều tra xã hội học do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện cho thấy, gần 85% người tiêu dùng phát hiện ra hành vi vi phạm ATTP mà không tố giác vì ngại va chạm. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho rằng, nếu không có sự tự giác của các nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thì cơ quan quản lý khó có thể giám sát hết được các vi phạm về ATTP. Đây là vấn đề đòi hỏi cộng đồng cùng có trách nhiệm mới có thể giải quyết được.

Đặc biệt, mỗi người tiêu dùng cần có ý thức dứt khoát không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Cùng đó, người tiêu dùng cần nâng cao trách nhiệm tố giác, đấu tranh với hành vi vi phạm. “Chúng ta phải thay đổi quan niệm về đấu tranh với hành vi vi phạm. Tất nhiên, không thể đẩy hết cho người tiêu dùng mà cơ quan chức năng vẫn phải có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo ATTP, nhưng trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm rất lớn như hiện nay, rất cần sự cộng tác của người tiêu dùng để giảm thiểu nguy cơ mất ATTP” - ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Hiện nay, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP cho phép áp dụng mức phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Thanh tra Bộ Y tế đã từng phạt những đơn vị vi phạm số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Cùng với chế tài nghiêm khắc, việc cho phép Hà Nội và TP.HCM thí điểm lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/ huyện, xã/ phường từ 15-11 tới đây, ngành y tế kỳ vọng có thể thay đổi mạnh mẽ bộ mặt về ATTP tại 2 thị trường trọng điểm này.

Không lạm dụng, thanh tra tùy tiện

Hiện nay, quản lý ATTP được phân công cho 3 bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương cùng phụ trách, trong đó, mỗi ngành được giao quản lý, thanh tra, kiểm tra một số mặt hàng cụ thể. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/ phường sắp được triển khai thí điểm tại 10 quận/ huyện của Hà Nội và TP.HCM tới đây sẽ được giao thẩm quyền thanh tra, kiểm tra toàn bộ lĩnh vực ATTP.

TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, việc giao cho thanh tra viên chuyên ngành ATTP cấp quận/ huyện, xã/ phường thẩm quyền như vậy sẽ giúp hoạt động của lực lượng này linh hoạt, mềm dẻo hơn. Ngoài việc xử phạt, chấn chỉnh vi phạm thì các đoàn thanh tra cũng có trách nhiệm phổ biến pháp luật, tuyên truyền và hướng dẫn để các cơ sở sản xuất thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trước lo ngại lực lượng thanh tra này có thể lạm quyền, làm khó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đại diện Cục ATTP khẳng định, người dân, doanh nghiệp không nên lo lắng vì “giao quyền đi kèm với trách nhiệm, không thể thích làm thế nào thì làm”. Nếu ai lạm dụng quyền hạn, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trả lời câu hỏi về việc nhiều người lo ngại không biết “ăn gì để không bị ung thư?”, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư và trong đó có cả nguyên nhân liên quan đến thực phẩm. Rủi ro do sử dụng sản phẩm thực phẩm là khó tránh, ngay cả ở các nước phát triển cũng gặp phải.

Để phòng chống và hạn chế nguy cơ bệnh tật từ thực phẩm, Cục ATTP kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm, từ cơ quan quản lý, nhà sản xuất, người tiêu dùng đều phải nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn, chỉ lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng chứng nhận chất lượng.