Kêu gọi ngừng bắn trong dịp khai trường ở Ukraine

ANTĐ - Một cuộc gặp thượng đỉnh theo thể thức “Normandy” gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine sẽ được tổ chức trong những ngày tới. Thế nhưng, dư luận chẳng mấy ai tin cuộc gặp sẽ xoay chuyển tình trạng bạo lực hiện nay ở miền Đông Ukraine.

Kêu gọi ngừng bắn trong dịp khai trường ở Ukraine  ảnh 1Nhà cửa của người dân bị tàn phá sau các cuộc pháo kích của hai phía đối đầu

Một tuyên bố được Điện Elysee đưa ra cho biết, Tổng thống Pháp F. Hollande, Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Đức A. Merkel đã một lần nữa xác nhận ủng hộ thỏa thuận hòa bình Minsk mà các bên xung đột tại miền Đông Ukraine đạt được tại Belarus hồi tháng 2 vừa qua. Ba nhà lãnh đạo đồng thời cũng hối thúc các bên xung đột ngừng bắn hoàn toàn từ ngày 1-9 tới, thời điểm các trường học mở cửa năm học mới. 

Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo 3 nước Pháp, Đức và Nga diễn ra  trong bối cảnh tình hình Ukraine nguy cấp trở lại khi bạo lực leo thang một cách nghiêm trọng. Đại diện cơ quan quốc phòng Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng E. Basurin cáo buộc quân đội Ukraine đã tăng cường lực lượng tại Donbass lên tới 90.000 người, 450 xe tăng, 203 dàn tên lửa và 5 tổ hợp tên lửa Tochka-U. Trong khi đó, Người phát ngôn Quân đội Ukraine V. Seleznyov lại cho rằng lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đã mở các cuộc tấn công vào căn cứ của quân đội Ukraine. 

Giữa bối cảnh như vậy, cộng đồng thế giới không khỏi lo ngại về khả năng thoả thuận ngừng bắn từng được các bên ký kết tại Thủ đô Minsk của Belarus 15-2-2015, thứ duy nhất mà các cường quốc đặt nhiều hy vọng, sẽ bị phá vỡ. Một khi thoả thuận Minsk đổ vỡ thêm một lần nữa thì tình hình Ukraine khó tránh khỏi viễn cảnh vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Kể từ tháng 4-2014, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã khiến hơn 6.800 người thiệt mạng, hơn 17.000 người bị thương và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Theo dõi diễn biến tình hình, không khó khăn để xác định nguyên nhân bạo lực bùng phát trở lại ở miền Đông Ukraine. Theo thỏa thuận ngừng bắn Minsk, Ukraine sẽ trao cho các khu vực đòi độc lập ở miền Đông nước này quyền tự quản tạm thời trong vòng 3 năm. Dự thảo sửa đổi hiến pháp mà Tổng thống Ukraine P. Poroshenko đệ trình lên quốc hội cũng đề cập đến quyền này và được Tòa án hiến pháp thông qua.

Tuy nhiên, khái niệm “quyền tự quản” bị mỗi bên diễn giải một cách. Trong khi lực lượng đòi độc lập ở Ukraine vẽ ra viễn cảnh thỏa thuận Minsk sẽ cho ra đời mô hình liên bang ở Ukraine với những quy chế đặc biệt cho khu vực miền Đông, thì chính quyền Kiev cho rằng quyền đó hạn chế hơn nhiều. Kiev kiên quyết đòi giải giáp lực lượng đòi độc lập, khôi phục lại quyền kiểm soát tại toàn bộ biên giới Ukraine-Nga, đồng thời dứt khoát từ chối đối thoại trực tiếp với đại diện các lực lượng đòi độc lập, lực lượng mà họ gọi là “ly khai và khủng bố”.

Đến khi Tổng thống P. Poroshenko ký ban hành luật bầu cử địa phương, trong đó không trao quyền cho các tỉnh miền Đông tổ chức bầu cử địa phương cùng với cả nước vào ngày 25-10 tới, thì miền Đông Ukraine hiểu rõ rằng cam kết của Kiev trong thỏa thuận Minsk chỉ là lời hứa trên giấy. Nếu như tại các khu vực của Lugansk và Donetsk không được lựa chọn người đại diện của mình ở cấp địa phương thì làm sao nói đến chuyện tự quản với khu vực.

Vũ lực lại lên tiếng để các bên khẳng định vị thế của mình. Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi của lãnh đạo Pháp, Đức và Nga với các bên xung đột về một lệnh ngừng bắn hoàn toàn từ ngày 1-9 tới với lý do đó là thời điểm các trường học mở cửa đón năm học mới chỉ là giải pháp hoãn binh trong thế bế tắc hiện nay, chứ chưa có mấy giá trị về lâu dài.