Kết quả tín nhiệm là thước đo đánh giá năng lực của các vị lãnh đạo

ANTD.VN - Một hoạt động nổi bật, được đông đảo cử tri cả nước quan tâm, theo dõi và chờ đợi trong những ngày qua tại Kỳ họp Quốc hội lần này chính là việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Kết quả vừa được Quốc hội công bố. Để có những nhìn nhận, đánh giá về kết quả và hoạt động lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ của Quốc hội lần này, ông Đỗ Mạnh Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội và ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương đã có những ý kiến chia sẻ.

Nói về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương cho biết:

“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua đã phản ánh tương đối chính xác tình hình thực tế. Nó vừa phản ánh được cái chung của cả khối, nhưng nó cũng phản ánh được cái riêng của từng đại biểu.

Về khối tôi nói thế này: ví dụ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiếu lần này rất cao, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban. Ai cũng thấy rằng, trong nhiệm kỳ vừa rồi, Quốc hội làm  việc thể chế, làm việc ban hành pháp luật phải nói rất rõ, rất nhiều văn bản pháp luật được quốc hội chuẩn bị, thông qua.

Thứ hai, khối Hành pháp tức là khối Chính phủ, đồng chí Thủ tướng với tín nhiệm cao, rất cao trên 90%. Điều này phản ánh thực tế của đất nước. Rõ ràng trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội XII của Đảng, tình hình kinh tế, xã hội của đất nước phát triển đúng hướng, phát triển chắc chắn và có thể nói đem lại những kết quả đáng ghi nhận.

Thứ ba nữa là khối Tư pháp, rõ ràng ở đây cũng phản ánh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng chỉ đạo đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Cho nên cả về tập thể khối như vậy, và cả về từng đồng chí thì rõ ràng có chuyển biến hơn và nhìn chung lần này có tiến triển tốt hơn những lần trước”.

Trong khi đó, ông Đỗ Mạnh Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội chia sẻ:

Tôi rất tán thành ý kiến của ông Nguyễn Đức Hà. Tôi cũng vinh dự hai lần tham gia lấy phiếu tín nhiệm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước. Tôi nhớ rằng, sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó có nói rằng, Quốc hội đã hoàn thành trọng trách với nhân dân và với cử tri.

Tức là kết quả lấy phiếu tín nhiệm lúc đó thì cũng đã phản ánh được đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Và nếu soi nhận định đó vào kỳ lần này thì tôi thấy đánh giá đó vẫn là phù hợp. Quốc hội một lần nữa đã hoàn thành trọng trách trước nhân dân và trước cử tri. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được thông báo, và thể hiện sự nỗ lực của cả ba khối là khối Lập pháp, khối Hành pháp và khối Tư pháp.

Đặc biệt, sự phối kết hợp thông tin, giải trình của các các khối, nhất là khối Hành pháp cũng đã được quan tâm hơn. Cho nên là đúng như Thủ tướng đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Và các hoạt động của Chính phủ cũng đã được công khai với người dân, cho nên cử tri cũng có những kênh thông tin, những điều kiện không những giám sát được hoạt động của Quốc hội, của cơ quan Lập pháp mà còn giám sát được cả các hoạt động của các khối như là Hành pháp và Tư pháp. Đây là những kết quả rất phấn khởi”.

Với câu hỏi đặt ra là, điều cốt lõi nào giúp tăng phiếu tín nhiệm cao và giảm phiếu tín nhiệm thấp, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết:

“Tôi nghĩ có ba nguyên nhân rất đáng quan tâm. Thứ nhất là nỗ lực của khối Hành pháp. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ đều xác định những mục tiêu trong nhiệm kỳ, những mục tiêu dài hạn hơn để Chính phủ hướng tới, để từng ngành, từng lĩnh vực hướng tới. Và trên thực tế, qua nửa nhiệm kỳ, các mục tiêu đó đang được thực hiện với một nguồn lực, với sự nỗ lực rất lớn của cả tập thể Chính phủ, của người đứng đầu cũng như của các thành viên Chính phủ.

Thứ hai, tôi nghĩ mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp cũng được cải thiện hơn rất là nhiều. Và Quốc hội cũng có điều kiện để tiếp cận, nắm bắt những cái phát triển, những cái bức xúc, những cái vướng mắc đề cùng với ngành Hành pháp có thể xử lý kịp thời.

Tôi nói ví dụ như sửa đổi luật doanh nghiệp. Từ đề xuất của Chính phủ, Quốc hội cũng đã lắng nghe và kịp thời có những sửa đổi để công việc của chúng ta tốt hơn và việc phát triển kinh tế xã hội tốt hơn. Yếu tố thứ ba rất quan trọng, đó là bộ máy nhà nước đang ngày càng công khai hơn, gần dân hơn, cho nên người dân không những là người giám sát mà còn là một kho tàng trí tuệ, là nguồn lực rất lớn để có ý kiến, có đóng góp và có những hiến kế để cơ quan Nhà nước có thể áp dụng vào ngay trong công việc để công việc tiến triển”.

Bên cạnh những đại biểu có phiếu tín nhiệm rất cao, còn có những đại biểu có tín nhiệm thấp. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hà bày tỏ quan điểm như sau:

“Rõ ràng đây là lần thứ ba Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Cho nên nó đã khắc phục được, đã rút kinh nghiệm được những mặt khiếm khuyết của hai lần trước.

Ví dụ như trước đây có thể thông tin giữa người đứng đầu của các ngành với các vị đại biểu Quốc hội ít hơn, thế nên là việc bỏ phiếu mang tính chủ quan hơn. Nhưng rõ ràng trong nhiệm kỳ này, việc giao lưu, trao đổi, chất vấn của Đại biểu Quốc hội với từng đồng chí lãnh đạo rõ hơn, nên nó phản ánh chính xác hơn. Tôi cũng phải nói là, đã lấy phiếu tín nhiệm thì cũng phải có người cao, có người thấp, và không có gì là tuyệt đối cả. Nhưng nó tương đối thôi cũng cho chúng ta những suy nghĩ.

Nếu đồng chí nào có phiếu tín nhiệm cao thì đó là vinh dự, tự hào và một sự ghi nhận của người dân, của Đại biểu Quốc hội để phấn đấu vươn lên. Còn những đồng chí còn có mặt này mặt kia trong dư luận, trong nhân dân, hoặc những đòi hỏi, bức xúc của người dân mà chưa đáp ứng được hết. Nhưng mà muốn hay không muốn thì những đồng chí đó dù nhiều dù ít cũng tự đặt lại câu hỏi cho mình, tự soi vào đó, tự sửa, tự khắc phục mình việc đó.

Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm của nhiệm kỳ trước, tín nhiệm cao đã cao lên, tín nhiệm thấp đã giảm đi. Mặt bằng chung chúng ta đánh giá là gì, rõ ràng đây là một tác dụng rất tốt, để người tốt thì tốt hơn, người có khuyết điểm thì giảm bớt khuyết điểm đi”.