Kết quả 5 năm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 qua những con số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 354,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết này, đạt trung bình khoảng 5,95 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,43 nghìn tỷ đồng/tháng so với trước đó.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) là 1,73%.

Tính từ cuối năm 2017 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 677 nghìn tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 554,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 81,92%); Nợ xấu bán cho VAMC là 110,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 16,29%); Nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 12,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,79%).

Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và có số dư 384,96 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,66% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ chuyển thành nợ xấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

Việc xử lý nợ xấu đã được đẩy mạnh hơn nhờ Nghị quyết

Việc xử lý nợ xấu đã được đẩy mạnh hơn nhờ Nghị quyết

Về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống đến 30/6/2021 là 425,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cuối năm 2020.

Lũy kế từ 15/08/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 354,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết này. Trong đó, tính riêng từ thời điểm 30/6/2020 đến 30/6/2021, đã xử lý được 55 nghìn tỷ đồng.

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 30/6/2021 đạt trung bình khoảng 5,95 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,43 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Theo Ngân hàng Nhà nước, trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ tăng cao, từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 136,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,51% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước đó (khoảng 22,8% trong giai đoạn 2012 - 2017).

Riêng đối với hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC, lũy kế từ năm 2013 (từ khi VAMC được thành lập) đến 30/6/2021, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD xử lý nợ với giá trị thu hồi nợ đạt 177.639 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 116.335 tỷ đồng, bằng 65,49% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 30/6/2021.

Hoạt động đấu giá khoản nợ, tài sản bảo đảm tại VAMC cũng được đẩy mạnh, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 30/6/2021, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 21 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.297 tỷ đồng; đồng thời, VAMC đã thu giữ, nhận bàn giao một số tài sản bảo đảm có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại TCTD.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết số 42 đã tạo cơ chế xử lý hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của TCTD.

Về cơ bản, ý thức trả nợ của khách hàngđược nâng cao, một số quy định tại Nghị quyết số 42 đã được các TCTD, VAMC áp dụng có hiệu quả trên thực tế, đảm bảo các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 còn cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành liên quan để xử lý, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hệ thống các TCTD nói riêng.