Kết nối cung cầu Hà Nội và các tỉnh, thành phố: Ký kết hợp tác 25.500 tỷ đồng

ANTD.VN - Chiều 3-11, Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Giao thương kết nối cung- cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017” với dự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, TP Hà Nội và 49 địa phương trên cả nước.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội và đại diện các bộ, ngành chứng kiến lễ trao biên bản ký kết cung ứng hàng hóa giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các quốc gia đang có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường trong nước. Việc phát huy nền kinh tế tự chủ rất quan trọng. Từ 2010 đến nay, các tỉnh, thành phố, bộ, ngành tổ chức nhiều hội nghị kết nối, thu hút hàng nghìn đại biểu với hàng nghìn biên bản ký kết cung cầu hàng hóa.

Hà Nội có nhu cầu tiêu dùng thực phẩm lớn

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với dân số gần 10 triệu người cùng với hàng triệu khách du lịch mỗi năm, Hà Nội là thị trường đầy tiềm năng cho các địa phương hợp tác cung ứng sản phẩm, hàng hóa.

Nhu cầu tiêu dùng nông sản của thành phố trong 1 tháng rất lớn (gạo 83.400 tấn; thịt lợn hơn 20.000 tấn; thịt bò 5.230 tấn; thịt gà 5.200 tấn; thủy hải sản 5.050 tấn; thực phẩm chế biến 5.050 tấn; rau củ 84.100 tấn; trứng gà, vịt 94,7 triệu quả...). Vào tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này tăng từ 5-20% so với tháng bình thường, tùy từng mặt hàng.

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này còn hạn chế. Ngoài thịt gà, thịt lợn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thì các mặt hàng khác, thành phố chỉ tự túc được một tỷ lệ khiêm tốn.

Chẳng hạn, gạo chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu; trứng gia cầm đáp ứng được 66% nhu cầu; thực phẩm chế biến đáp ứng 25% nhu cầu; rau củ đáp ứng 65% nhu cầu. Vì vậy, trong những năm qua, Hà Nội đã tham gia kết nối với nhiều địa phương trên cả nước để nhập về Thủ đô các mặt hàng tiêu dùng phục vụ đủ nhu cầu của người dân.

Các tỉnh, thành phố giới thiệu nông sản với Hà Nội

Tuy nhiên, việc cung ứng hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử là việc tại một số tỉnh, thành phố, sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý sản phẩm trong quá trình trồng trọt và lưu thông, công tác bảo quản, sơ chế sản phẩm còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm không ổn định;

Còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất dẫn đến khi doanh nghiệp Hà Nội cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảo thì không dễ thực hiện.

Nên cung ứng hàng hóa theo chuỗi

Để giải quyết vấn đề chất lượng, số lượng hàng hóa không ổn định, việc cung ứng hàng hóa theo chuỗi được coi là giải pháp hiệu quả. Không chỉ tăng giá trị sản phẩm, khi phân phối sản phẩm theo chuỗi, sản phẩm cũng được đảm bảo an toàn, chất lượng hơn.

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, sản phẩm sản xuất, phân phối theo chuỗi luôn có giá trị cao hơn 15-20% so với sản phẩm thông thường, vì chất lượng được đảm bảo hơn.

“Có nhiều mặt hàng của Lâm Đồng nhờ sản xuất, phân phối theo chuỗi mà giá trị cao, tiêu thụ dễ dàng hơn. Vừa qua, Lâm Đồng tiêu thụ 3 tỷ đồng hành hoa. Đây là mặt hàng khó bảo quản, nếu thu hoạch, tiêu thụ chậm muộn là vứt đi, nhưng chúng tôi làm theo chuỗi nên không để xảy ra tình trạng này”- ông Nguyễn Văn Yên cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện nay, cả nước có hơn 700 chuỗi sản phẩm tiêu thụ nông sản. Đây là mô hình tốt, cần nhân rộng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các địa phương.

Để nâng cao hiệu quả bền vững cho chương trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động đề xuất, phối hợp với TP Hà Nội trong việc thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương; Chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa vào kênh phân phối đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành trong việc thực hiện các chương trình liên kết vùng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế với các địa phương;

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, kênh phân phối.

Đến thời điểm hội nghị diễn ra, đã có 400 biên bản ký kết được trao tại hội trường và tại các bàn giao dịch của khu trưng bày sản phẩm, dự kiến tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh về địa bàn thành phố trong dịp Tết Dương lịch, Tết Mậu Tuất 2018 đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2016.

Trong đó, hàng hóa tiêu thụ tại Hà Nội khoảng 20.000 tỷ, phát luồng đi các tỉnh lân cận khoảng 5.500 tỷ đồng. Đặc biệt, hàng hóa dự kiến ký kết cho cả năm 2018 khoảng gần 100.000 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố.