Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh

ANTĐ - Là một cựu chiến binh, tôi xin tham gia ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng về nội dung tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. 
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh ảnh 1

Về mục tiêu và nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tôi nhất trí với mục tiêu và nhiệm vụ đã nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị: “Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa , bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”.

Về giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới cần chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, kết hợp chặt chẽ kinh tế văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và ngược lại; kết hợp quốc phòng an ninh với đối ngoại; xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng QĐND và CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng, tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh.

Tôi muốn nói rõ thêm về biện pháp “kết hợp chặt chẽ” hơn nữa phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh và xây dựng “thế trận lòng dân”. Muốn tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh cần kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh. Có phát triển kinh tế, củng cố văn hóa, ổn định xã hội mới tạo tiền đề vững chắc cho tiềm lực quốc phòng an ninh, giữ được độc lập, chủ quyền lãnh thổ, ổn định chính trị. Khi kinh tế phát triển, văn hóa lành mạnh, xã hội ổn định sẽ tạo nền đưa nguồn lực cho quốc phòng, an ninh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quán triệt sâu sắc, đúng đắn biện pháp “kết hợp chặt chẽ” giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh.

Về xây dựng “thế trận lòng dân”, lịch sử chống ngoại xâm của cha ông ta cũng như bài học kinh nghiệm trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, bảo vệ chủ quyền biên giới, xây dựng lực lượng vũ trang, vai trò “thế trận lòng dân” có ý nghĩa quyết định. 

Vì vậy nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” không chỉ của các lực lượng vũ trang nhân dân mà của các cấp ủy Đảng, cả hệ thống chính trị. Nhân dân các dân tộc trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo, các vùng kinh tế quốc phòng, các khu công nghiệp hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức về pháp luật, về khoa học, kỹ thuật còn hạn chế. Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang cần có chiến lược xây dựng vùng biên giới, hải đảo vững mạnh. Cần thực sự quan tâm, chăm lo đến lợi ích chính đáng của nhân dân, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân. Mỗi hành động, việc làm, phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo, nhà quản lý, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì nhân dân, tạo được niềm tin cho nhân dân. Có như vậy, “thế trận lòng dân” mới thực sự xây dựng được vững chắc.