Kết “áo giáp Nga”, Brazil chi hàng tỷ USD mua Pantsir-S1

ANTĐ - Nguồn thông tin chính thức của Brazil cho biết, nước này sẽ mua các tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga vào năm 2016.

Ngày 29-6, Đại sứ Brazil tại Nga Antonio José Guerreiro Valiim nói với hãng tin RIA Novosti, về cơ bản thương vụ mua sắm các tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga này đã được thông qua, nước này sẽ ký hợp đồng mua sắm các hệ thống được mệnh danh là “Áo giáp” trong nửa đầu năm tới.

Theo vị đại sứ, ngân sách quốc phòng của Brazil năm 2015 không bao gồm kinh phí cho thương vụ mua sắm này. Bởi vậy, hiện các cơ quan chức năng nước này đang cân đối ngân sách để đảm bảo cấp cho Bộ Quốc phòng năm 2016 khoản chi tiêu mua sắm tương ứng.

Hồi đầu năm nay, cũng chính vị đại sứ Brazil đã thông báo, nước ông đang đàm phán mua sắm 18 hệ thống phòng không Pantsir-S1, đủ để biên chế trong 3 trung đoàn phòng không Brazil, trị giá ước tính của hợp đồng là khoảng 1 tỉ USD

Pantsir-S1 là phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa-pháo phòng không tự hành trên mặt đất Pantsir-S (NATO định danh SA-22 Greyhound), do Cục thiết kế chế tạo máy KBP của Nga phát triển. Hệ thống được tích hợp vũ khí chính gồm 2 pháo cao tốc 2A38M 30mm và 12 tên lửa phòng không tầm thấp 57E6.

Hệ thống phòng không Pantsir-S được coi như một tấm “áo giáp” bảo vệ cuối cùng

Trong đó pháo 2A38M có tốc độ bắn tối đa 2.500 phát/phút, tầm bắn tối đa 4km, tầm cao tối đa 3km, mỗi tổ hợp được trang bị cơ số 1400 viên đạn pháo. Còn tên lửa phòng không tầm trung 57E6 có tầm bắn tối đa lên tới 20km và được lắp đầu đạn phân mảnh.

Pantsir-S là một sự phát triển cao hơn của tổ hợp 9M311 Tunguska SA-19/SA-N-11. Tổ hợp này có thể được đặt trên khung gầm xe bánh xích hoặc bánh lốp, hoặc đặt trên các bệ, trụ cố định, với kíp chiến đấu 3 người với thời gian triển khai và bắt đầu khai hỏa hệ thống chỉ từ 4-6s.

Pantsir-S được chế tạo với mục đích bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như S-300/S-400. Bởi vậy nó được coi như một tấm “áo giáp” bảo vệ cuối cùng.

Pantsir-S chống lại những cuộc tấn công của vũ khí đường không tiên tiến như máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay không người lái. Ngoài ra, nó còn có khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình và khi cần có thể tấn công cả mục tiêu thiết giáp nhẹ mặt đất, các tàu mặt nước hạng nhẹ…

Hiện các hệ thống Pantsir-S1 đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Algieria, Syria, Iran… Ngoài ra, còn có cả một số quốc gia chuộng vũ khí phương Tây như Brazil hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).