Kênh tình báo có giúp quan hệ Nhật - Triều tan băng?

ANTD.VN - Quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên đang có dấu hiệu chuyển biến khi một quan chức tình báo hàng đầu Nhật Bản có cuộc gặp bí mật với người đồng cấp Triều Tiên tại Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ hồi đầu tháng 10-2018.

Kênh tình báo có giúp quan hệ Nhật - Triều tan băng? ảnh 1Cho đến nay, Nhật Bản và Triều Tiên vẫn trong trạng thái đối đầu

Theo những thông tin mới được tiết lộ, Chủ nhiệm Văn phòng Tình báo và Nghiên cứu thuộc Nội các Nhật Bản Shigeru Kitamura, người có quan hệ thân cận với Thủ tướng Shinzo Abe, đã đến Mông Cổ từ ngày 6 đến 8-10 để gặp gỡ các quan chức Triều Tiên, trong đó có một nhân vật cấp cao thuộc Ban mặt trận thống nhất Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên chuyên phụ trách các vấn đề liên quan đến Hàn Quốc. Trước đó, hồi giữa tháng 7-2018, ông Kitamura cũng từng gặp bà Kim Song-hye, Trưởng phòng chính sách thuộc Ban trên.

Đây được coi là tín hiệu tích cực trong quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên. Nó làm dấy lên hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh có thể sẽ diễn ra giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sự kiện có thể giúp khép lại quá khứ băng giá giữa hai nước Đông Bắc Á này. 

So với quan hệ liên Triều hay quan hệ Mỹ - Triều, quan hệ Nhật - Triều tiến triển khá chậm. Tokyo luôn coi chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là đặc biệt nguy hiểm. Mặc dù Triều Tiên đã ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo cũng như nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thì Sách Trắng thường niên vừa được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hồi tháng 8 vừa qua vẫn khẳng định Bình Nhưỡng đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh nước này.

Một rào cản nữa trong việc bình thường hóa quan hệ Nhật - Triều là vấn đề bắt cóc. Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước và cho biết 8 người trong số đó đã chết, 5 người khác đã được trả về Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản phủ nhận thông tin mà Triều Tiên đưa ra, đồng thời yêu cầu nước này tiếp tục điều tra để trả lại những người Nhật bị bắt cóc hiện vẫn còn sinh sống tại Triều Tiên.

Trong bối cảnh đối đầu như vậy, hai bên đều tìm kiếm con bài gây sức ép. Trong khi Triều Tiên coi tiềm lực hạt nhân là công cụ răn đe, thì Tokyo sử dụng con bài cấm vận. Trong khi Nhật Bản cáo buộc Triều Tiên về các vụ bắt cóc, thì Bình Nhưỡng luôn tỏ thái độ bất bình với việc phụ nữ Triều Tiên bị bắt phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến thứ II. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã được Triều Tiên tổ chức nhưng Tokyo không chịu công khai thừa nhận tội ác trong quá khứ này. 

Với việc Thủ tướng Abe tìm cách mở kênh liên lạc bí mật với Triều Tiên, trong đó giới chức tình báo được ưu tiên hơn Bộ Ngoại giao vốn chủ yếu là các cuộc gặp công khai, những vấn đề nhạy cảm giữa hai bên có thể được trao đổi thẳng thắn hơn để tìm lối thoát. Cách tiếp cận này giống với cách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chủ yếu trao nhiệm vụ cho Cơ quan tình báo Trung ương tiếp xúc với phía Triều Tiên. Kết quả là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra thành công ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua. 

Những tháng gần đây được xem là thời điểm hòa dịu nhất về mặt ngoại giao trên Bán đảo Triều Tiên, với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un có các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Nếu kênh tình báo Nhật -  Triều có thể đưa đến một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước thì đó sẽ là bước đột phá.

Trước mắt, tin tức lọt ra từ cuộc gặp giữa quan chức tình báo hàng đầu Nhật Bản và Triều Tiên tại Mông Cổ cho biết một trong những chủ đề nhạy cảm nhất là vấn đề bắt cóc đã được hai bên phần nào tháo gỡ, theo hướng coi đây là vấn đề nên được giải quyết giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.