Kênh thông tin quan trọng đánh giá cán bộ

ANTĐ - Bên lề phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, HĐND TP khóa XIV, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trao đổi với báo chí về việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do HĐND bầu tại kỳ họp lần này. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: 

- Việc lấy phiếu tín nhiệm là công việc quan trọng, việc xem xét, đánh giá các chức danh phải thận trọng, công tâm, khách quan, căn cứ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cá nhân của cán bộ. Đối với người được đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm là thử thách mà mỗi cán bộ lãnh đạo phải trải qua; cũng là cơ hội giúp cho mỗi người hiểu rõ hơn về uy tín, trách nhiệm của mình trước công việc và lĩnh vực mình phụ trách. Kết quả phiếu tín nhiệm là sự ghi nhận, động viên, khích lệ những người hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; nhắc nhở, lưu ý kịp thời đối với những người có khuyết điểm, yếu kém về năng lực, phẩm chất.

- Bí thư đánh giá thế nào về lần đầu tiên HĐND TP Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh chủ chốt?

- Đây sẽ là nội dung thường niên của HĐND các cấp, để phát huy dân chủ và chức năng giám sát của cơ quan đại diện của nhân dân tại địa phương. Tôi nghĩ sẽ có người tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp, nhưng từng người sẽ thông qua đó tự  biết về kết quả công việc mà mình được phân công. Người được đánh giá tốt sẽ là sự động viên khích lệ kịp thời. Ngược lại, người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều, cũng nên coi đó là lời cảnh báo, nhắc nhở chân thành. Nếu đợi hết nhiệm kỳ 5 năm mới nhận xét về năng lực, thì lúc đó có những việc muốn khắc phục đã chậm rồi. Mặt tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm chính là tạo ra động lực, những tiêu chí cụ thể để mỗi người soi lại mình. Quan trọng hơn, việc lấy phiếu tín nhiệm phải tổ chức tốt, để người tham gia đánh giá  khách quan, công tâm, sâu sát, biết công việc của mỗi người mình bỏ phiếu, như vậy mới chính xác. Như thế, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực sự khiến mỗi cán bộ phải luôn cố gắng, nâng cao trách nhiệm, năng lực, trau dồi phẩm chất. Bởi nếu ai đó 2 lần đánh giá có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều sẽ phải thay thế hoặc từ chức.

- Có ý kiến băn khoăn rằng, số phiếu tín nhiệm cao hay thấp ở một chức danh đôi khi chưa nói hết được vấn đề?

- Tất cả đều đạt kết quả tốt mà công việc tốt thật, đó là điều tốt. Còn nếu công việc không thật tốt mà lại đánh giá tốt thì cần xem lại. Thực sự, công tác cán bộ không chỉ dựa vào kết quả này. Đây là căn cứ quan trọng nhưng cũng không phải là tất cả. Giả sử có trường hợp đánh giá thiếu chính xác thì cơ quan quản lý cán bộ phải có trách nhiệm kiểm tra. Có thể một người tốt, làm việc nhiều, va chạm nhiều, nên khi lấy phiếu lại bị tín nhiệm thấp, ảnh hưởng đến công việc. Trong trường hợp này, tập thể phải có đánh giá đúng mức để ủng hộ người đó tiếp tục công việc của mình. Trái lại, có thể ai đó làm việc hàng ngày chất lượng rất dở, nhưng do vận động, tác động nên vẫn có phiếu tín nhiệm cao. Trong bộ máy, sẽ có nhiều kênh để đánh giá, rà soát không chỉ một lần.

- Dù vậy, lấy phiếu tín nhiệm vẫn sẽ là một kênh thông tin quan trọng trong việc đánh giá cán bộ của lãnh đạo thành phố?

- Kết quả tín nhiệm là kênh thông tin hết sức quan trọng để Thành ủy xem xét, đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, phù hợp với phẩm chất, năng lực và khả năng cống hiến của mỗi người. Đối với người cán bộ nào cũng vậy, kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao chính là minh chứng rõ nhất thể hiện tinh thần trách nhiệm của họ. Đương nhiên, TP không phải chờ đến lần này lấy phiếu tín nhiệm mới đánh giá cán bộ. Đây là công việc thường xuyên. Lần này chỉ là có thêm một biện pháp nữa. Lâu nay, những trường hợp triển khai công việc không tốt, hoặc do năng lực, trình độ yếu kém, TP cũng đã có nhiều biện pháp xử lý phù hợp.