Kênh dẫn vốn an toàn

ANTĐ - Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2014, Quốc hội đã cho phép nâng trần bội chi lên 5,3% GDP, đồng thời cho phép Chính phủ phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu để đẩy mạnh đầu tư công. Đây được xem là giải pháp cấp thiết trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Giá trị hàng tồn kho chiếm tới 74% giá trị sản xuất công nghiệp. Cùng với sự “cầm cự” của khu vực doanh nghiệp, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và hồi phục chậm, thể hiện ở cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư.

Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam nhận định, dù còn nhiều thách thức nhưng năm 2013 được xem là một năm thành công xét trên bình diện kinh tế vĩ mô, đặc biệt liên quan đến hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Để cải thiện tình hình, theo vị Trưởng đại diện, còn cả một chặng đường dài cần phải nỗ lực vượt bậc. Những vấn đề về hệ thống ngân hàng vẫn còn khá nhiều việc phải làm, nhất là nợ xấu trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Việc giải quyết những điểm yếu liên quan đến chất lượng tài sản, nợ xấu và trích lập dự phòng là việc rất quan trọng để khôi phục sức khỏe của từng ngân hàng, của cả hệ thống, đồng thời tạo môi trường tốt hơn cho các ngân hàng làm tốt vai trò trung gian tài chính trong nền kinh tế. Nếu các cải cách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng không được thúc đẩy thì khó duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thậm chí có thể gây ra bất ổn trên thị trường tài chính. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn tiếp tục phụ thuộc vào mức độ “thân thiết” với ngân hàng và cán bộ chủ chốt. Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có tiến triển, song chưa có những bước đột phá mạnh mẽ. Đây là ý kiến của một số tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp, công ty lớn.

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, con số nợ xấu ước tính lên đến 500.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng thắt “túi nợ” lại, cho doanh nghiệp vay tiếp, liệu họ có “chết” vì dòng tiền mới không, nhất là khi không “tiêu hóa” được vốn, thị trường thì bão hòa? Khi doanh nghiệp chưa cải thiện được sản xuất kinh doanh, chưa xoay xở để trả nợ, nếu rót thêm vốn vay tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng “bội thực”, rủi ro nợ xấu lại tăng lên. Mặc dù nhận định năm 2014 có nhiều tín hiệu khả quan hơn năm 2013, song Trung tâm nghiên cứu kinh tế nhấn mạnh, để khơi thông dòng vốn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần sớm xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay; giảm thuế, phí liên quan đến giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại.

Chỉ khi nào những “ung nhọt” được cắt bỏ triệt để, thì ngân hàng mới thực sự trở thành kênh dẫn vốn an toàn và hiệu quả. Hệ thống tài chính phải được “đại tu” toàn bộ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng độc quyền.