"Kền kền" đòi nợ thuê thời khủng hoảng

ANTĐ - Hàng triệu người Nga đã đi vay trong những năm đất nước bùng nổ kinh tế. Hiện tại họ đang phải đối mặt với tình trạng không thể thanh toán các khoản nợ và trở thành nạn nhân của những kẻ đòi nợ thuê. 

"Kền kền" đòi nợ thuê thời khủng hoảng ảnh 1

Đòi nợ thuê bằng bạo lực

Tại thành phố Voronezh, anh Sergei (29 tuổi) đang xem tivi với tâm trạng hoang mang bởi các bản tin lúc này tràn ngập tin tức về việc những kẻ đòi nợ thuê tra tấn và đe dọa tinh thần các nạn nhân vì những khoản nợ quá hạn. Tháng 12 năm ngoái, Sergei trở thành một trong 11,5 triệu người Nga không thanh toán nợ đúng hạn. Dù chỉ nợ 230 Bảng, nhưng anh Sergei và những người cùng cảnh ngộ vẫn liên tục bị những kẻ đòi nợ “săn” gắt gao.

Được gán biệt danh “kền kền thời khủng hoảng”, những kẻ đòi nợ hung hãn đang trở thành thực trạng nhức nhối ở Nga trong thời gian gần đây. Những thành phần bất hảo này được xem là “sản phẩm” của tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài do giá dầu thế giới lao dốc và các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Mối lo ngại càng gia tăng khi những kẻ đòi nợ sử dụng các chiêu thu nợ đầy tính bạo lực.

Ngày 27-1, nhà chức trách thành phố Ulyanovsk, miền Đông Nga cho biết một kẻ đòi nợ đã ném bom xăng qua cửa sổ vào nhà một con nợ, khiến một bé trai 2 tuổi bị bỏng nặng. Theo điều tra ban đầu nguyên nhân của vụ việc này là do ông nội của bé trai đáng thương trên năm 2014 đã vay 4.000 Rúp (35 Bảng) của Công ty Tài chính Ros Dengi để mua thuốc chữa bệnh. Ông phải trả nợ và lãi lên đến 24.000 Rúp, nhưng tên đòi nợ nói ông vẫn còn thiếu 40.000 Rúp (gấp 10 lần tiền gốc) tiền lãi. Khi chưa kịp giải trình khoản tiền lãi khổng lồ bị “đội” lên nhiều lần, gia đình ông đã bị dằn mặt đáng sợ. 

Trước đó vài ngày, một người đàn ông ở vùng Siberia đã đang tâm sát hại người vợ đang mang bầu và hai đứa con nhỏ của mình, rồi nổ súng tự tử. Vụ thảm án đau đớn này theo báo chí địa phương đưa tin nguyên nhân được cho là do anh này bị đám đòi nợ đe dọa quá nhiều. Nhận thấy hiện tại gia đình chưa thể trả được khoản nợ, công việc thì bấp bênh, người vợ lại sắp sinh, gánh nặng cơm áo ngày càng đè nặng lên vai, lại còn bị những tay đòi nợ thuê ngày đêm giở đủ chiêu hăm dọa, trong cơn quẫn trí, người đàn ông này đã gây ra tội ác ghê gớm, rồi tự kết liễu đời mình, xem như một sự giải thoát nghiệt ngã.

Theo The Guardian, tháng 12-2015, ở vùng Rostov thuộc miền Nam nước Nga, cơ quan chức năng phải sơ tán một nhà trẻ sau khi một giáo viên ở đây khai báo rằng bọn đòi nợ đe dọa sẽ cho nổ tung nơi này nếu cô không trả nợ. Những vụ việc kiểu như trên xuất hiện ngày một nhiều, chủ yếu xuất phát từ tình trạng các tổ chức tài chính cho người nghèo vay ngắn hạn các khoản tiền siêu nhỏ nhưng với lãi suất quá cao, khiến họ không thể trả nợ đúng hạn. Những tổ chức này phớt lờ các quy định của ngân hàng về trần lãi suất và “nuôi” hẳn một lực lượng đòi nợ riêng.

Cần sớm siết chặt hoạt động đòi nợ

Theo Tổng Công tố Nga Yury Chaika, cơ quan thực thi pháp luật hiện thiếu các công cụ đủ mạnh để kiểm soát những kẻ đòi nợ thuê. Ông Yury Chaika cho biết từ năm 2013 đến nay, nhà chức trách tiếp nhận khoảng 21.000 đơn tố cáo về cách hành xử của các công ty đòi nợ nhưng chỉ vài vụ bị truy cứu hình sự. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, sau khi Nga hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, mức vay của người dân đã tăng gấp đôi, lên mức 210 tỷ Rúp vào tháng 12-2012.

Trong thời kỳ kinh tế bùng nổ, các tờ rơi quảng cáo mời gọi vay tiền đã cám dỗ nhiều người tiêu dùng Nga sau nhiều thập kỷ khó khăn. Những tờ rơi với hình ảnh một xe cút kít đầy tiền mặt và dòng chữ “hãy lấy bao nhiêu mà bạn muốn” rong ruổi khắp đường phố Nga. Độc chiêu hơn, Ngân hàng Trust Bank của Nga còn phát hành hàng loạt tờ rơi quảng cáo in hình nam tài tử Bruce Willis mời gọi khách vay tiền.

Trước tình hình này, nhiều nhóm hỗ trợ các nạn nhân của bọn đòi nợ đã được thành lập trên các trang mạng xã hội. Điển hình trong số này là nhóm Stop Collector! (“Ngăn chặn bọn đòi nợ”) do Aleksandr Naryshkin, lập trình viên 31 tuổi ở St. Petersburg, điều hành. Naryshkin cho biết từ năm 2013 đến nay, anh nhiều lần bị bọn đòi nợ gây áp lực. Chúng có lần còn hăm dọa sẽ bắt anh “phục dịch như một trai bao”. Hàng nghìn người trong cảnh bế tắc đã tìm đến nhóm của Naryshkin để xin lời khuyên.

Theo anh, mọi người nên tìm cách kiện những kẻ đòi nợ ra tòa và đừng tỏ ra sợ hãi trước những cuộc gọi đe dọa. Trong khi đó Mikhail Karpenko, một luật sư ở vùng Urals đã đứng ra giúp nhóm của Naryshkin tư vấn pháp lý miễn phí cho các con nợ. “Ở khu vực của chúng tôi, ít nhất là vùng Chelyabinsk, đa số người dân đều lâm vào cảnh nợ nần. Họ rơi xuống vực sâu nợ nần và không thể thoát ra” - luật sư Karpenko nói - “Theo tôi, chúng ta cần xóa bỏ toàn bộ các tổ chức đòi nợ”.

Olga Mazurova người đứng đầu quản lý Quỹ tín dụng Sentinel, một trong những cơ quan thu nợ lớn nhất của Nga nói rằng người dân Nga thu nhập giảm đột ngột vì “các công ty bị phá sản, thời gian làm việc bị cắt giảm thậm chí bị sa thải hoặc giảm lương. Theo quan sát của chúng tôi điều này diễn ra phổ biến tại các thành phố công nghiệp ở Siberia và Urals. Rất ít người Nga có bảo hiểm để dự phòng cho việc này”.

Trang NBCNews cho biết, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động Nga đã giảm 10%, xuống chỉ còn 30.000 Ruble (380 USD) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 12 năm ngoái, theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ. Con số này chỉ bằng một nửa so với mức lương tương ứng của năm 2013. Số người Nga sống dưới chuẩn nghèo đã tăng tới 16%, lên mức 23 triệu người từ tháng 1 đến 4-2015.

Hiện hàng triệu người Nga mắc nợ có quyền được nộp đơn xin phá sản, theo đó, mỗi người đi vay nợ được đề nghị ngân hàng cắt giảm số nợ. Tuy nhiên, thanh tra tài chính Nga Pavel Medvedev nói rằng hiếm khi ngân hàng đồng ý nếu cá nhân nợ số tiền nhiều hơn một tổ chức.