Kém hào hứng với gà đồi Yên Thế

ANTĐ - Là năm đầu tiên thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), nhưng lượng bán ra trong dịp Tết Nguyên đán trên thị trường Hà Nội khá khiêm tốn. Nguyên nhân, do gà từ nhiều nơi đưa về như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, và hơn nữa, chất lượng gà đồi Yên Thế cũng chưa được như kỳ vọng.

Người tiêu dùng Thủ đô chưa thực sự hào hứng với gà đồi Yên Thế

Chất lượng không như mong đợi

Để giới thiệu sản phẩm cũng là cung ứng gà cho người dân Thủ đô, huyện Yên Thế đã chuẩn bị 5 triệu con gà đồi để cung cấp cho Hà Nội ăn Tết. Người chăn nuôi hăng hái tái đàn vì gà bán được giá, có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các nhà phân phối bán lẻ đều cho rằng, khó tiêu thụ, lượng bán ra trong dịp Tết không nhiều.

Đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, kể từ khi đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế vào bán tại siêu thị (từ ngày 19-1), lượng tiêu thụ rất chậm. Trung bình mỗi ngày chỉ từ 10-15 con. “Trong 3 ngày sát Tết Nguyên đán, từ 27 đến 29 tháng Chạp thì con số này còn khá, khoảng 100 con/ngày. Nhưng từ Tết trở ra đến giờ, sức mua lại ì ạch, chục con mỗi ngày”, đại diện siêu thị này cho biết. Nguyên nhân được đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội lý giải, do giá gà bán “hơi” cao, 150.000 đồng/kg, cùng với đó chất lượng gà cũng không được như mong đợi, không quá khác biệt so với các loại gà khác.

Chị Nguyễn Thu Thủy (Đội Cấn, Ba Đình) cho biết: “Hay tin gà đồi Yên Thế chính gốc được đưa về các siêu thị trên địa bàn Hà Nội bán trong dịp Tết Nguyên đán, tôi đã mua về dùng. Nhưng thực lòng khi ăn mới thấy, chất lượng cũng không ngon như mong đợi, mà giá bán vào thời điểm trước Tết như vậy là khá cao so với ngoài thị trường”. Cũng theo chị Thủy, ban đầu khi nghe đến gà đồi Yên Thế ai cũng nghĩ là gà được nuôi ở đồi núi, thả rông thì săn chắc, thịt sẽ dai hơn, ngọt hơn, nhưng hóa ra không phải vậy. “Một số bạn bè ở cơ quan cũng mua về dùng và có cùng nhận xét, chất lượng không ngon cũng như gà được nuôi ở các địa phương khác”, chị Thủy chia sẻ. Theo đó, chị Thủy đã tìm hiểu và được biết, gọi gà đồi Yên Thế là theo địa danh, chứ không phải gà được nuôi thả rông trên đồi như “gà chạy bộ”, cũng được chăn nuôi kiểu trang trại. Bởi vậy, chất lượng cũng chỉ như gà ở các địa phương khác mang về bán.

Đừng xem nhẹ chất lượng 

Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, lượng gà đồi Yên Thế mà các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn của TP tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua không nhiều. “Thị trường thịt gà cũng đã bão hòa, cung- cầu cân đối, thêm vào đó, thị trường Hà Nội có đa dạng các loại gà chăn nuôi từ nhiều địa phương khác đưa về, người  tiêu dùng có nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền và chất lượng”. Bên cạnh đó, bà Mai cũng cho rằng, một phần cũng do chất lượng gà đồi Yên Thế không thực sự nổi bật. “So với các loại gà ta khác được bán trên thị trường cũng như tại các chuỗi siêu thị tham gia bình ổn, gà đồi Yên Thế có lượng tiêu thụ kém nhất, chất lượng cũng không như người dân mong đợi. Vì thời gian đầu, họ cũng nuôi bằng cám công nghiệp, do vậy, chất lượng không ngon như loại gà nuôi bằng thóc, ngô như ở trong dân”, bà Mai phân tích.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Bắc Giang, cuối năm 2012 là một năm thành công của người chăn nuôi huyện Yên  Thế. Vì, vào thời điểm giữa năm 2012, giá gà nhiều lúc xuống mức 40.000 đồng/kg, nhưng đến cuối năm, nhờ gà lậu được ngăn chặn, giá gà đã lên mức 80.000-85.000 đồng/kg. Nông dân chăn nuôi thu lời, phấn khởi tái đàn. Tuy nhiên, qua đợt liên kết tiêu thụ gà đồi Yên Thế tại Hà Nội vừa qua cho thấy, sản phẩm này vẫn chưa tạo được ấn tượng, chưa trở thành sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Các Sở, ban ngành của Bắc Giang đã và đang gây dựng thương hiệu gà đồi Yên Thế bài bản, với đủ tem nhãn mác. Song, để gà đồi Yên Thế thực sự chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Thủ đô thì điều trọng yếu phải tạo được sự khác biệt về chất lượng.