Sai lầm “chết người” của trọng tài:

Kém chuyên môn hay thiếu đạo đức nghề?

ANTĐ - Những sai phạm liên tiếp của các trọng tài tại vòng 9 V-League 2016, đặc biệt là pha thổi phạt đền của trọng tài Hà Anh Chiến trên sân Thanh Hóa buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Kém ở năng lực chuyên môn hay thiếu đạo đức nghề.

 

Tiêu cực vẫn âm ỉ tồn tại trong giới trọng tài Việt 

Sự trùng hợp đáng ngờ

Từ vụ việc trọng tài Hà Anh Chiến “biếu không” quả phạt 11m cho chủ nhà Thanh Hóa ở trận gặp SLNA khiến đội khách mất oan chiến thắng, người ta nhớ lại V-League 2015, cũng trên sân Thanh Hóa và chính trọng tài Hà Anh Chiến đã từng thổi có lợi cho chủ nhà trong bàn thắng ở phút cuối, giúp đội này thắng HAGL 2-1.

Tình huống này, băng hình quay chậm cho thấy tiền đạo Hoàng Đình Tùng của đội Thanh Hóa đã để bóng chạm tay trước khi đưa vào lưới. Lãnh đạo và cầu thủ HAGL khi đó phản ứng quyết liệt, sau còn gửi cả công văn khiếu nại nhưng không được chấp thuận. Cũng trên sân Thanh Hóa mùa 2013, nhóm tổ trọng tài Đinh Hải Dương, Phạm Bá Chiến, Đỗ Mạnh Hà, Kiều Việt Hùng bị tố cáo là nhận 100 triệu đồng bồi dưỡng của Thanh Hóa trong trận tiếp HAGL.

Vụ việc vỡ lở, cơ quan công an vào cuộc và sau đó, Ban Tổ chức giải đã không mời tổ trọng tài này điều hành giải nữa, còn VFF cũng cách chức trưởng, phó Ban Trọng tài. Đó chỉ là 3 trường hợp điển hình trong số các trận đấu mà “đại gia” Thanh Hóa được hưởng lợi từ trọng tài, bao gồm cả những trận họ phải đá trên sân khách.

Vẫn còn trọng tài nhận “lót tay”

Giai đoạn đầu khi giải Vô địch quốc gia bắt đầu chuyển tên thành V-League (từ năm 2000), chuyện đội bóng “lót tay” cho trọng tài diễn ra phổ biến. Khi đó, việc đi lại, ăn ở của trọng tài vẫn còn giao cho đội chủ nhà lo liệu (sau này do Công ty VPF - đơn vị tổ chức giải chi trả để đảm bảo tính khách quan). Nhiều đội bóng còn “chu đáo” gửi trọng tài khoản tiền gọi là bồi dưỡng, ít thì vài triệu mà nhiều thì vô kể.

Một số trọng tài tâm sự rằng các CLB Việt Nam vẫn hay cho tiền, kể cả khi thắng lẫn thua vì “còn gặp nhau hoài” nên biết điều lần này thì lần sau dễ thở và cũng bởi quan niệm của người Việt rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Chuyện đội bóng “lót tay” trọng tài trở nên phổ biến và chỉ bị phanh phui ở mùa 2005 với sự vào cuộc của cơ quan điều tra, kéo theo đó là một loạt quan chức trọng tài ra tòa. Sau biến cố này, chuyện cho tiền trọng tài trở thành vấn đề tế nhị nhưng không phải đã chấm dứt.

Mùa giải 2012, nhờ sự giúp sức của đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tham gia trong Ban An ninh VPF, cựu “bầu” Nguyễn Đức Kiên có đủ bằng chứng 7 lãnh đội cho tiền trọng tài và 10 trọng tài nhận tiền. Trong một cuộc họp năm đó có mặt đầy đủ các “ông bầu”, ông Kiên đã đọc đích danh một số ông bầu cho tiền trọng tài và những người này đều thừa nhận, cam kết không cho tiền trọng tài nữa.

Vụ việc không thành án, nhưng có 2 trọng tài bị đình chỉ làm nhiệm vụ vĩnh viễn. Cũng có mùa giải, lãnh đạo VFF vừa phong tặng trọng tài danh hiệu “đạn bắn không thủng” thì lập tức có nhóm trọng tài bị khởi tố vì nhận hối lộ và môi giới hối lộ.

Lần này ở vụ việc trọng tài Hà Anh Chiến “tưởng tượng” ra quả 11m trên sân Thanh Hóa, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng đã lên tiếng nói về những sai phạm có tính “dây chuyền” đang diễn ra ở V-League. “Vấn đề nằm ở chỗ trọng tài còn yếu kém cả về chuyên môn lẫn bản lĩnh.

Tôi không chụp mũ tất cả, nhưng nhiều người trong nghề sau này vẫn chia sẻ rằng họ nhận được những đồng tiền lót tay - tiết lộ của cựu trọng tài dày dạn kinh nghiệm này cho thấy rằng vấn nạn tiêu cực trong giới trọng tài V-League vẫn âm ỉ tồn tại, dù mỗi giai đoạn có mức độ khác nhau. Việc các sai phạm của trọng tài thường chỉ xử kín trong nội bộ Ban Trọng tài và cũng không được xử lý tới nơi tới chốn càng làm cho tiêu cực trong giới “vua sân cỏ” khó bị triệt tận gốc.