Kẻ xấu - kẻ điên loạn: Mua axit quá dễ

ANTĐ - Không phải ngẫu nhiên, người ta gọi axit là “hung khí” nguy hiểm, đòn thù ghê sợ nhất trong các cuộc đánh ghen, trả thù... Hậu quả do thứ chất lỏng nguy hại này gây ra không chỉ hủy hoại thể xác, mà còn ảnh hưởng đến cả tinh thần. Nhưng lâu nay, do thiếu sự quản lý, kiểm soát nên axit vẫn được mua bán tràn lan, “phục vụ” đắc lực cho trọng án.

Hóa chất cực độc không thể bán “thoải mái”

Mua bao nhiêu cũng có!

Mới đây nhất, ngày 15-11, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã bắt tạm giam Nguyễn Văn Dũng (SN 1983, quê Bến Tre, tạm trú quận 8) về tội cố ý gây thương tích. Vì yêu đơn phương chị Hồng Kim Huôi (SN 1990, quê Kiên Giang) không được, hay tin “người trong mộng” sắp về quê làm lễ đính hôn, Dũng đã mua axit về tạt làn chị Huôi và 4 người khác bị thương. Vụ việc này gây chấn động trong dư luận không kém vụ Trần Thị Hiệp (SN 1986, trú tại Bắc Giang) đã dùng xô đựng 5 lít a xit tạt vào chồng - ngay tại bến xe buýt ở Cầu Giấy, Hà Nội hồi tháng 6, khiến anh này và 2 người khác đang đứng chờ xe buýt phải đi cấp cứu.

Một bác sỹ Viện Bỏng quốc gia trao đổi với PV Báo ANTĐ đã phân tích, do có tính ô-xy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit nhanh chóng phá hủy cấu trúc mô của da, mỡ, gân, cơ, thậm chí cả xương. Dưới tác động của loại chất lỏng độc hại này, cơ thể sẽ bị hoại tử từ ngoài vào trong, tùy mức độ sẽ gây tổn hại sức khỏe, đồng thời để lại di chứng suốt đời. Do axit không chỉ gây đau đớn về thể xác, mà hậu quả không bao giờ khắc phục được, nên không ít người khi đánh ghen, trả thù hoặc giải quyết mâu thuẫn làm ăn đã… “cậy nhờ” đến axit.

Nguy hiểm và độc hại là thế nhưng việc quản lý hoạt động mua bán axit trên thị trường vẫn đang bị bỏ ngỏ. Thực tế, axit đang được rao bán công khai trên mạng Internet và bày bán tại nhiều cửa hàng, nhiều địa bàn. Theo số điện thoại 0973121… được quảng cáo trên mạng Internet, PV đã liên hệ với một người đàn ông tự giới thiệu là quản lý công ty chuyên mua bán axit Sunfuric. Không cần hỏi về mục đích sử dụng, người này cho biết Công ty có đầy đủ các loại axit dùng trong các ngành công nghiệp như tẩy rửa kim loại trước khi mạ, chế tạo thuốc nổ, chất dẻo, chế tạo ắc-quy, xử lý rác thải… với giá rẻ nhất. Chỉ cần cung cấp tên, địa chỉ và đặt cọc trước một khoản tiền thì lập tức “hàng” được giao đến tận nhà.

Tại một số tuyến phố ở Hà Nội, việc mua axit cũng dễ như… mua rau. Đi một vòng qua các phố chuyên kinh doanh hóa chất ở địa bàn quận Hoàn Kiếm, PV Báo ANTĐ đã dễ dàng hỏi mua được đủ các loại axit với số lượng lớn không giới hạn. Khệ nệ xách can nhựa chứa đầy axit ra giới thiệu, chủ một cửa hàng hóa chất ở phố Hàng Hòm (quận Hoàn Kiếm) hét giá: “Nếu em mua nhiều thì anh lấy 80 (80.000 đồng/lít), bằng đúng giá khách quen. Đồng ý thì xách cả can, axit nhà anh không bán lẻ”. Theo người đàn ông này, có nhiều loại axit được bày bán nhưng phổ biến nhất vẫn là Sunfuric. Tùy vào độ đậm đặc, nguồn gốc mà có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/lít. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, vị chủ quán nháy mắt: “Thằng em mua hộ chứ gì, loại loãng hơn anh cũng có, giá chỉ bằng 50% nhưng mua xong miễn trả lại…”.

Theo mách nước của một sinh viên chuyên hóa, tôi tiếp tục tìm đến một số cửa hàng chuyên kinh doanh hóa chất y tế và công nghiệp nằm trên địa bàn các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm. Đây là nơi học sinh, sinh viên thường xuyên đến mua hóa chất về làm thí nghiệm. Hầu hết các loại axit được đựng trong các chai, bình nhựa loại nhỏ có giá bán từ 40.000 đến 100.000 đồng. Một số loại axit đậm đặc, nhập khẩu từ nước ngoài, được sử dụng trong các thí nghiệm đòi hỏi có sự chính xác cao cũng được bày bán với giá khoảng 200.000 đồng/lít.

Axit được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng kinh doanh hóa chất

Cần siết chặt quản lý

Chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng là người mua đã có thể mua được một lượng axit độc hại, đủ gây tổn thương sức khỏe cho nhiều người. Nhưng khi được hỏi vì sao các loại axit nguy hiểm vẫn được bày bán không tuân theo quy định, đại diện Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT thành phố Hà Nội) lại khẳng định, trên địa bàn chưa từng ghi nhận, phát hiện trường hợp nào kinh doanh axit (?). Trao đổi với PV, một cán bộ QLTT còn cho rằng, việc đánh giá tình trạng mua bán, sử dụng axit để giải quyết mâu thuẫn thuộc trách nhiệm của cơ quan Công an (?!).

Trong khi, theo Nghị định 108/2008/NĐ và Thông tư 28/2010 của Bộ Công Thương, có gần 30 loại axit độc hại trong đó có Sunfuric nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo khi lưu hành trên thị trường. Việc mua bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, được lưu giữ tại bên mua và bên bán. Trên phiếu kiểm soát phải thể hiện tên, địa chỉ người bán, người mua; số CMND, ngày cấp, nơi cấp; thông tin về hóa chất và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, những quy định này đã bị... bỏ qua.

Theo các luật sư, việc quản lý axit chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mua bán axit tràn lan đã vô tình tiếp tay cho tội phạm. Do “nguồn cung” không hạn chế nên nhiều đối tượng đã xem axit là vũ khí “ưa thích” trong các vụ trả thù, hành hung. Xử lý nghiêm đối tượng tấn công axit, đồng thời siết chặt công tác quản lý việc mua bán, kinh doanh là những điều kiện cần để ngăn chặn các vụ việc đau lòng bắt nguồn từ axit.