Kề vai cùng doanh nghiệp

ANTD.VN - Theo tín hiệu nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. 

Đi theo động thái này, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn và sử dụng vốn, tránh rủi ro thanh khoản. Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù điều hành chính sách tiền tệ gặp một số áp lực như tín dụng tăng nhanh, Chính phủ phát hành trái phiếu khối lượng lớn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất hai lần, song NHNN vẫn giữ ổn định mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, qua đó ổn định thanh khoản hệ thống.

Từ ngày 10-7, hàng loạt lãi suất điều hành mới của NHNN có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, NHNN giảm lãi suất điều hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát ổn định, áp lực lên lãi suất và tỷ giá không nặng nề chính là cơ sở vững chắc để giảm lãi suất cho vay và “lái” dòng tín dụng vào sản xuất. 

Đại diện NHNN khẳng định, thời gian tới sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất cho vay; điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%. Như vậy, vay tín dụng 18% có thể được điều tiết linh hoạt, song điều này được hiểu là không phải vì lãi suất giảm mà nới lỏng “van” tín dụng. Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, dù lãi suất hạ nhiệt, ngân hàng không nên mở “van” bơm vốn ồ ạt, ngay cả khi chịu áp lực tăng trưởng, bởi khi đó ngân hàng có thể dẫm vào “vết xe đổ” đã từng xảy ra trước đây. 

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu suông của ngành ngân hàng. Tuy vậy, nguồn vốn cho vay chủ yếu do các ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Để có được lãi suất cho vay ưu đãi như hiện nay, các ngân hàng phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều ngân hàng cho biết, khi cho vay nông nghiệp với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 0,5-1,5%/năm, thì họ đã phải giảm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận.

Theo dự báo, mặt bằng lãi suất có thể giảm nhiệt thêm nữa vào năm 2018 khi Nghị quyết xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp, tỷ giá ổn định. Trong bối cảnh như hiện nay, ngành ngân hàng cũng phải nỗ lực giảm chi phí để kéo lãi suất giảm, đồng nghĩa với giảm chi phí, giảm gánh nặng tài chính của các doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh. Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp thực chất là “cộng sinh”; doanh nghiệp “ốm yếu” thì ngân hàng làm sao khỏe và mạnh được. Bởi thế, ngân hàng không chỉ đồng hành mà cần phải kề vai cùng doanh nghiệp.