Kề vai chiến đấu vì cuộc sống yên bình của nhân dân

ANTĐ - Trong Hội thảo "Tăng cường phối hợp giữa Công an nhân dân (CAND) và Quân đội nhân dân (QĐND) trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và quốc phòng" do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 14-7 đã có 10 ý kiến phát biểu. Các ý kiến tập trung khẳng định sự đúng đắn mang tính lịch sử trong chủ trương phối hợp công tác, chiến đấu giữa hai lực lượng; nêu lên những kinh nghiệm quý trong quá trình phối hợp công tác giữa CAND và QĐND...

Trung tướng, PGS, TS ĐƯỜNG MINH HƯNG, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an:
Chú trọng trao đổi, xác minh thông tin

Thời gian qua, Tổng cục An ninh và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã thực hiện khá tốt việc trao đổi và xác minh thông tin cả ở cấp bộ và cấp cơ sở. Nhờ đó, các diễn biến về an ninh, chính trị trên thế giới và trong khu vực có liên quan đến tình hình an ninh quốc phòng của nước ta đã được hai bên thống nhất về cơ bản. Việc duy trì trao đổi, phối hợp xác minh thông tin được thực hiện khá nền nếp ở tất cả các cấp của QĐND và CAND. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh xã hội và an ninh tại các địa bàn trọng điểm... cũng đã được các đơn vị thuộc hai lực lượng thảo luận chu đáo. Sự trao đổi thường xuyên đó đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị ở cơ sở, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn sự bình yên cuộc sống cho nhân dân.

Trung tướng, PGS, TS Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an

Để thời gian tới việc trao đổi, xác minh thông tin đạt hiệu quả cao hơn, theo tôi, hai bên cần làm tốt một số vấn đề như: Cần phải tăng cường, mở rộng các lĩnh vực, cấp độ trao đổi về bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, an ninh đối ngoại... Việc trao đổi thông tin cần đi vào thực chất, tránh hình thức. Chỉ huy các cấp, các đơn vị thuộc hai lực lượng cần phải nhận thức thật tốt về vấn đề này thì việc trao đổi thông tin mới hiệu quả. Các cuộc sơ kết, tổng kết khi đã rút ra bài học kinh nghiệm thì phải triển khai, khắc phục ngay những thiếu sót. Thời gian qua, chúng ta đã làm khá tốt việc này, nên công tác phối hợp giữa hai lực lượng diễn ra tương đối nhịp nhàng. Các thông tin khi được trao đổi giữa hai bên đã cơ bản được xử lý và có phản hồi. Tôi cho rằng, duy trì tốt chế độ trao đổi thông tin chính là cơ sở để QĐND và CAND ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự và củng cố quốc phòng.   

Thiếu tướng NGUYỄN ĐÌNH KHẨN, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu:

Cùng xây dựng thế trận vững chắc

Phối hợp giữa CAND và QĐND trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân là hoạt động quan trọng của hai lực lượng nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước có các giải pháp giữ vững ổn định chính trị đất nước và chuẩn bị các điều kiện cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cho thấy, hai lực lượng đã và đang làm tốt công tác trao đổi, đánh giá thông tin về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhờ vậy các biện pháp đấu tranh được đề xuất kịp thời, phù hợp. 

Thiếu tướng Nguyễn Đình Khẩn, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu

Những năm qua, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp xử lý phù hợp các vấn đề nảy sinh ở cơ sở, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, tạo môi trường hòa bình cho đất nước phát triển có tính bền vững. Để làm tốt điều đó, các đơn vị thuộc QĐND và CAND đã thường xuyên bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các kế hoạch, phương án sẵn sàng chiến đấu, phương án bảo vệ các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, quân đội.

 Trong quá trình xây dựng các kế hoạch, phương án tác chiến đã có sự bàn bạc thống nhất giữa hai lực lượng, do đó việc tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện vào xử lý các tình huống được thực hiện khá khoa học, đúng nguyên tắc, không bị động, bất ngờ.

Những năm qua, hai lực lượng đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập tác chiến trị an bảo đảm sát thực tế. Tuy là hai đơn vị khác nhau, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ thì đều chung một mục tiêu, đó là làm tốt việc giữ gìn an ninh trật tự, củng cố quốc phòng trên địa bàn toàn quốc.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, cả QĐND và CAND đều phải không ngừng củng cố lực lượng, tổ chức huấn luyện, rèn luyện bảo đảm cho các đơn vị luôn tinh thông về nghiệp vụ, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao. Các kế hoạch phối hợp giữa hai bên cần phải được rà soát và thực hành luyện tập thường xuyên. Thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân là những khái niệm rộng lớn, do đó QĐND và CAND cần phải cụ thể hóa khái niệm đó thành những công việc và chỉ tiêu cụ thể. Chỉ có sự phối hợp chặt chẽ, thực chất, thường xuyên giữa hai lực lượng thì mới tạo ra sức mạnh cho QĐND và CAND trong thực hiện nhiệm vụ.

Đại tá NGUYỄN XUÂN BẮC, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng:

Tăng cường bảo đảm an ninh biên giới

Tuyến biên giới trên bộ của nước ta có độ dài lớn, nhiều cửa khẩu, tiểu ngạch, ngoài ra còn hàng nghìn đường mòn xuyên qua biên giới sang các nước bạn. Do đó, những năm qua, việc giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới luôn có những khó khăn, phức tạp.

Đại tá Nguyễn Xuân Bắc, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Hiện nay, Bộ đội Biên phòng và công an các địa phương giáp biên vẫn là lực lượng chủ chốt thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Thời gian qua, số án vụ do hai lực lượng phối hợp đấu tranh, xử lý chiếm hơn 74% tổng số vụ trong toàn quốc. Trong các năm 2012-2013, hai lực lượng đã phối hợp tổng điều tra rà soát 23 địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy. Hai lực lượng đã phối hợp bắt 690 vụ/987 đối tượng, thu 87 bánh hê-rô-in, 232kg thuốc phiện, 883kg cần sa, 62.228 viên ma túy tổng hợp, kê biên tài sản hàng trăm tỷ đồng… Qua thực tiễn công tác phối hợp giữa hai lực lượng, chúng tôi thấy có một số kinh nghiệm:

Trước hết, cả hai lực lượng cần phải nhận thức rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên là vấn đề mấu chốt bảo đảm cho sự thành công trong bảo vệ an ninh quốc gia và phòng, chống tội phạm qua khu vực biên giới. Do đó, với các quy chế đã được ký kết, hai lực lượng cần tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu Chương trình quốc gia về Phòng, chống tội phạm.

 Trong quá trình phối hợp, hai bên phải căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng của mình để xây dựng phương án phù hợp, lấy việc tuân thủ quy định pháp luật và bảo vệ biên giới quốc gia làm trọng. Cần phải phối hợp tốt hơn nữa trong việc vận động nhân dân phòng, chống tội phạm, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành cùng tham gia thì mới tạo ra sức mạnh tổng hợp trong giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Các kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên.

Khi đã huy động thì mọi lực lượng phải tích cực tham gia, tránh việc tham gia hình thức, chiếu lệ. Các đối tượng tội phạm trên tuyến biên giới thường hoạt động rộng, mối quan hệ phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, do đó trong quá trình đấu tranh, chuyển giao hồ sơ theo phân công điều tra thì cần trao đổi tình hình đầy đủ, cụ thể để hai bên cùng kịp thời khai thác, tạo điều kiện thuận lợi trong đấu tranh với tội phạm.  

Đại tá, PGS, TS LÊ VĂN THẮNG, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an:
Chú trọng đào tạo cán bộ cho quân đội

Học viện An ninh nhân dân là trung tâm đào tạo có uy tín được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ phối hợp đào tạo cán bộ cho các đơn vị quân đội, góp phần hiện thực hóa chủ trương phối hợp đào tạo giữa CAND và QĐND.

Đại tá, PGS, TS Lê Văn Thắng, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân

Hiện nay, học viện đã và đang đào tạo hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị quân đội ở tất cả các bậc học, loại hình đào tạo. Ở bậc học cử nhân có các chuyên ngành trinh sát như: Chống gián điệp, Chống phản động, Bảo vệ an ninh nội bộ, An ninh điều tra. Ở bậc cao học, đào tạo 2 chuyên ngành: Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia... Ngoài ra, học viện còn đào tạo văn bằng 2 liên thông cho học viên của QĐND. Ngoài ra, học viện cũng đã cử giáo viên biên soạn tài liệu, thực hành giảng dạy một số chuyên đề tại các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh trong các học viện, nhà trường quân đội, đồng thời tích cực tham gia hội thảo, đánh giá luận văn đào tạo sau đại học tại Học viện Biên phòng...

Những học viên trong quân đội được đào tạo tại Học viện An ninh nhân dân đã được rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp tốt. Học viên sau khi tốt nghiệp đã biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức đã học vào thực hiện nhiệm vụ. Nhiều học viên sau khi đào tạo tại học viện đã trở thành những cán bộ chỉ huy ở một số cơ quan, đơn vị trong quân đội, như: Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng... Nhiều đồng chí trở thành các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực an ninh trong quân đội.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đòi hỏi CAND và QĐND tiếp tục phải phối hợp chặt chẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo. Để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho quân đội, Học viện An ninh nhân dân xác định phải thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về hợp tác đào tạo cán bộ cho quân đội. Trên cơ sở thỏa thuận của hai bộ, học viện sẽ chủ động triển khai các kế hoạch tổ chức và nâng chất lượng đào tạo cán bộ cho quân đội ở tất cả các bậc học và loại hình đào tạo. Tăng cường trao đổi thông tin giữa học viện với các đơn vị quản lý học viên của quân đội, bảo đảm cho công tác đào tạo luôn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của quân đội.

Đại tá NGUYỄN XUÂN HÀ, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, Bộ Công an:    
Giữ bình yên trên địa bàn chiến lược 

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước, đồng thời cũng là địa bàn trọng điểm trong âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình", "bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch chống phá nước ta. Thực hiện chủ trương phối hợp giữa CAND và QĐND trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng, các đơn vị thuộc hai lực lượng trên địa bàn Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, góp phần giữ vững bình yên trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên
 

Thời gian qua, các lực lượng chức năng của CAND và QĐND luôn duy trì thường xuyên hoạt động giao ban, trao đổi thông tin, hình hình và các biện pháp phối hợp bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Hai lực lượng đã chủ động, thường xuyên phối hợp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết có hiệu quả các vụ việc, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng cốt cán, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn.

Hai lực lượng đã phối hợp triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động xuất nhập cảnh, vượt biên trái phép, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự và chủ quyền biên giới quốc gia. Đặc biệt, trong các đợt cao điểm phòng, chống gây rối, bạo loạn, lực lượng CAND và QĐND đã tích cực tổ chức xác minh, phong tỏa địa bàn, vận động quần chúng, không để sự việc lan rộng. Thường xuyên tổ chức diễn tập, rút kinh nghiệm trong triển khai các phương án phòng, chống gây rối, bạo loạn trên toàn địa bàn theo từng cấp độ, kịp thời bổ sung các nội dung cần thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi trong tình hình mới, cũng như phát hiện, khắc phục các thiếu sót trong phương án phòng, chống gây rối trật tự trị an.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa CAND và QĐND cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã góp phần to lớn bảo đảm sự ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và quốc phòng trên toàn địa bàn Tây Nguyên, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự ổn định an ninh, chính trị của đất nước.