Kẻ thù giấu mặt

ANTĐ - Chính vì khả năng có thể tạo ra lợi nhuận theo kiểu “một vốn, mười lời” nên thuốc kháng sinh đang được sử dụng một cách tràn lan trong ngành chăn nuôi, gây mối nguy hại khôn lường với người tiêu dùng.

Xưa nay, người ta thường nghe nói đến dùng kháng sinh để chữa bệnh, nhưng trong hệ thống chăn nuôi ngày nay, các nhà sản xuất thường sử dụng một lượng lớn hóa chất để phòng, trị bệnh và kích thích tăng trưởng. Kháng sinh là chất được chú ý nhiều vì trước hết nó được dùng để phòng và trị bệnh gia súc. Không chỉ có vậy, nếu được trộn vào thức ăn hỗn hợp với nồng độ thấp, thuốc kháng sinh sẽ giúp bò, lợn, gà, tôm… mau lớn và tăng trọng nhanh. 

Vì lợi nhuận, nhiều người chăn nuôi đã không ngần ngại dùng bất cứ hóa chất nào cho dù là “độc” nhất, trong đó có thuốc kháng sinh, để tăng sản lượng mà chẳng hề bận tâm tới đạo đức nghề nghiệp. Chính vì thế mà theo tập đoàn nghiên cứu kinh doanh quốc tế Freedonia, doanh số của mặt hàng hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi trên thế giới năm 2009 là 45 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên mức 52 tỷ USD vào năm 2014.  

Còn theo số liệu của Tổ chức Pew Charitable Trusts, tại Mỹ, lượng kháng sinh trong thức ăn cho gia súc còn cao hơn lượng thuốc kháng sinh sử dụng cho bệnh nhân. Hơn 13.500 tấn kháng dược cho gia súc được tiêu thụ trên thị trường Mỹ mỗi năm, gấp khoảng 4 lần lượng thuốc dành cho người.

Khỏi phải nói việc sử dụng tràn lan kháng sinh trong chăn nuôi và nông nghiệp gây hại thế nào cho người tiêu dùng. Kháng sinh là chất khó phân hủy, người sử dụng liên tục có khả năng xảy ra những nguy hiểm như: Dị ứng, nhờn thuốc, có khi chết người. Nếu người nào đó mà sử dụng các thực phẩm rau củ, giá đỗ có chứa các chất kháng sinh sẽ sinh ra nhờn thuốc và nếu họ mắc phải bệnh thì rất khó chữa với các loại vi khuẩn gây bệnh.

Chẳng hạn trong thực phẩm còn tồn dư một lượng kháng sinh thì nó có thể gây kháng thuốc của vi khuẩn E.Coli. Khi E.Coli đã kháng thuốc thì nó có thể truyền plasmid kháng thuốc của nó cho các loại vi khuẩn gây bệnh khác sống trong đường ruột. Hay như thực phẩm có dư lượng enrofloxacin có thể gây mù vĩnh viễn và mất thị lực với người dùng. 

Chính vì thế mà kể từ năm 1990, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều nước khác đã đưa ra các quyết định cấm sử dụng kháng sinh như chất kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi. Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia là nước có những biện pháp mạnh tay. Cơ quan thú y bang Sarawak này từng đình chỉ việc nhập khẩu thịt gà nguyên con và các sản phẩm gia cầm khác từ Tập đoàn Thực phẩm Ayamas, sau khi các xét nghiệm cho thấy xúc xích gà từ Ayamas có chứa kháng sinh chloramphenicol.

Thực trạng dư thừa kháng sinh trong thực phẩm luôn là vấn đề lớn, chẳng khác nào kẻ thù giấu mặt với sức khỏe con người. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh có thể đẩy nhanh quá trình kháng thuốc ở các bệnh nhân trong điều trị bệnh. Nếu không có các giải pháp đúng đắn và kịp thời, các loại thuốc kháng sinh sẽ dần mất đi tác dụng ngay cả đối với các bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất.