Kẻ thù của mắt!

(ANTĐ) - Hiện nay, có đến trên 90% kính hàng hiệu trên thị trường là hàng giả. Nhiều nơi giới thiệu là hàng hiệu nhưng ngoài chiếc vỏ hộp in hiệu, chiếc khăn lau kính in logo nhà sản xuất hoặc tờ giấy bảo hành sản phẩm in tại Việt Nam thì không có gì làm đảm bảo chiếc kính đó là thật…!

Kẻ thù của mắt!

(ANTĐ) - Hiện nay, có đến trên 90% kính hàng hiệu trên thị trường là hàng giả. Nhiều nơi giới thiệu là hàng hiệu nhưng ngoài chiếc vỏ hộp in hiệu, chiếc khăn lau kính in logo nhà sản xuất hoặc tờ giấy bảo hành sản phẩm in tại Việt Nam thì không có gì làm đảm bảo chiếc kính đó là thật…!

Siêu lợi nhuận…!

Không thể biết đâu là kính thật, đâu là kính giả (ảnh minh họa)
Không thể biết đâu là kính thật, đâu là kính giả (ảnh minh họa)

Hàng nhái trên thị trường thường tập trung ở các thương hiệu trung và cao cấp như: Gucci, Armani, RayBan, Hugo Boss,… Người bán thường quảng cáo đó là hàng xách tay, giá rẻ hơn kính chính hãng 50-70%... Chỉ cần dạo quanh một vài tuyến phố như: Lương Văn Can, Hàng Bông, Cầu Gỗ, Cửa Nam,… thậm chí ở hầu hết các shop thời trang, ai cũng choáng ngợp bởi  các loại kính mắt kiểu dáng thời trang khiến người mua khó mà phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Ông Nguyễn Đăng Mạnh, một người kinh doanh kính mắt cho biết: “Các loại kính mắt “xịn” hầu như không có.

 Đa phần đều là hàng Trung Quốc, loại “nhái” hàng hiệu nhưng giá cả thì trên trời. Giá gốc mà chủ cửa hàng nhập về khoảng 12.000-40.000 đồng/chiếc kính thường, 80.000-180.000 đồng/chiếc kính “hàng hiệu” nhưng chủ cửa hàng có thể đưa giá lên tới hơn 1 triệu đến vài triệu đồng/chiếc… ”. Cũng theo ông Mạnh, hàng hiệu loại nhái có đến vài ba loại, loại nhiều tiền, ít tiền, giá cả chênh lệch thì chất lượng hàng cũng vì thế có sự khác nhau.

Loại kính “hàng hiệu” này được làm tinh xảo tới mức hình thức, kiểu dáng và chất liệu của chúng chỉ có người trong nghề mới phân biệt được. Ngoài ra, một số chủ hàng bán sỉ còn nhập linh kiện về lắp ráp, giá kính còn rẻ hơn nữa. Linh kiện để lắp kính cao cấp khoảng 25.000-30.000 đồng/cặp mắt kính và 30.000- 40.000 đồng/gọng kính. Chỉ một vài thao tác đơn giản là họ đã lắp ráp được một sản phẩm hoàn chỉnh.

Một người bán kính lâu năm trên phố Lương Văn Can tiết lộ: “Các loại kính “hiệu” chủ yếu nhập từ làng kính Lịch Động (Đông Hưng, Thái Bình), có cả chữ bắn chìm trên mắt kính thủy tinh tạo những dòng chữ sắc nét, tinh xảo. Và ở đâu người bán cũng tự hiểu với nhau giá bán ra phải hơn giá vốn ít nhất 5 lần”.

Bạn Đỗ Thu Phương, sinh viên ĐH Ngoại thương lắc đầu: “Cách đây hơn 1 tháng em có mua một chiếc kính thời trang hiệu RayBan với giá 80.000 đồng, ở một hiệu kính trên phố Lương Văn Can. Nhìn thì thời trang, đẹp mắt nhưng đeo vào nhức mắt và rất khó quan sát đường. Đeo vài hôm em cứ thấy nhức và chảy nước mắt. Sợ quá, từ dạo đó em không dám đeo lại…”.

Khả năng gây bệnh cho mắt…!

Theo Vụ Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế, hiện nay vẫn chưa có cơ chế bắt buộc các cửa hàng phải có giấy phép của ngành y tế. Bên cạnh đó, chưa có đơn vị được đầu tư thiết bị cần thiết để kiểm tra chất lượng kính nên việc thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Hiện có đến 90% chủ cửa hàng không có chuyên môn về y tế nên phần lớn, nhân viên bán hàng tự đo, khám và kết luận. Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, nhiều người bán hàng chỉ đơn thuần kinh doanh kiếm lời chứ ít có kiến thức về nhãn khoa. Hơn nữa, những loại kính kém chất lượng nếu đeo lâu có thể sẽ bị tổn thương, gây tác hại nặng nề cho mắt.

Theo quy định, kính chuẩn phải đảm bảo lọc được một số tia tử ngoại, hồng ngoại… Nhiều kính rẻ tiền, mắt kính có cấu tạo lồi lõm hơn so với yêu cầu chuẩn gây nên biến dạng hình ảnh. Nếu đeo lâu dài, mắt sẽ phải tự điều tiết để thích nghi với sự biến dạng hình ảnh do kính gây ra. Hơn nữa, kính kém chất lượng không có chức năng chắn được tia cực tím, đeo lâu có thể gây đục thủy tinh thể.

Nhiều trường hợp còn bị dị ứng với gọng kính kém chất lượng, bị đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước trên da mặt. Nếu thấy các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, người sử dụng nên đi khám chuyên khoa vì những biến chứng của mắt rất khó lường. Các bác sĩ cũng cảnh báo những ảnh hưởng của kính sai tiêu chuẩn lên mắt thường không xảy ra ngay lập tức mà theo dạng tích lũy dần.

Do vậy, người sử dụng không thể nhận biết được hậu quả ngay nên vẫn vô tư dùng đồ kém chất lượng mà không lường được những nguy cơ cho mắt. Tại Viện Mắt Trung ương, không ít bệnh nhân đau mắt, giảm thị lực, khi bác sĩ khám tiền sử bệnh thì phát hiện có yếu tố dùng kính… rẻ tiền.

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Phó đội trưởng Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Vấn đề hàng giả, hàng nhái đang được đơn vị tập trung triển khai mạnh, đặc biệt là dịp cuối năm. Mới đây, đội cũng đã kiểm tra và thu giữ được mặt hàng kính mắt làm nhái mẫu mã một số thương hiệu nổi tiếng tại một số cửa hàng trên phố Lương Văn Can. Số hàng này, hiện đang được đội thu giữ và chờ xử lý”.

Ngọc Bảo