Kẻ thù của chúng ta: Tham nhũng - lãng phí

ANTĐ - Trong phát biểu của mình tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 30-10. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cảnh báo: Có hay không sự tác động của các cấp, các ngành đã “nắn dòng, bẻ ghi” làm chuyển hướng kết quả thanh tra, điều tra?
Trả lời vấn đề đặt ra của Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến, tại phiên thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác phòng chống tham nhũng sáng qua 1-11-2012, ĐBQH Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) lên tiếng: Có vụ do tác động, can thiệp của các cấp vào quá trình điều tra, thanh tra làm cho những người bảo vệ pháp luật khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Tham nhũng cùng lãng phí là anh em sinh đôi, là hai kẻ đồng hành, đồng lõa, đồng phạm, cùng hội cùng thuyền, gây nên những thất thoát lớn nguồn lực xã hội, nguồn lực mà mỗi người dân “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, “một nắng hai sương”, chắt chiu dành dụm hàng ngày...

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tiến hành thanh tra trên 62.000 vụ, song mới phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chỉ chiếm 0,6% tổng số vụ thanh tra. Đại biểu Quốc hội rất quan tâm đặt câu hỏi: phải chăng có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng? Hoặc có sự “nắn dòng, bẻ ghi” làm chuyển hướng kết quả thanh tra?
Kẻ thù của chúng ta: Tham nhũng - lãng phí ảnh 1

Nếu như tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn, chúng ta thường lên án gay gắt, mạnh mẽ đối với hành vi tham nhũng song thất thoát do lãng phí đôi khi còn lớn hơn rất nhiều thì chúng ta lại nương tay, xem nhẹ, hầu như chưa có vụ nào xét xử lãng phí! Vì tham nhũng bị coi là tội phạm, còn lãng phí chỉ coi là khuyết điểm! Một chủ trương đầu tư sai, chôn vùi cả trăm triệu USD, cả nghìn tỷ đồng vào khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến cảng không hiệu quả… thì chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm!

Lãng phí xảy ra muôn hình vạn trạng, ở khắp nơi, lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách, trong quản lý đất đai, trong khai thác tài nguyên, trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong mua sắm tài sản, trong các dự án với nước ngoài… Đó là lãng phí hữu hình, đo đếm được, còn những lãng phí vô hình giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, lãng phí chất xám, chảy máu chất xám, rồi hàng chục nghìn luận án tiến sĩ, hàng trăm nghìn đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp quốc gia, cấp bộ, ngành, cấp địa phương được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng rất hoành tráng, xếp rất ngăn nắp như những vật trang trí trong các thư viện hoặc ở các viện nghiên cứu. Chưa đầy 30% kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hoặc ứng dụng một phần vào thực tiễn.

Do tham nhũng lãng phí thất thoát qua các chi phí phát sinh như “phí ngoại giao”, “phí bôi trơn”, “phong bì lót tay”, chi phí động thổ, khai trương, khánh thành và những khoản chi phí “bất thành văn” khác, trăm dâu đổ lên đầu… giá thành sản phẩm nên giá sản phẩm của ta cao hơn nhiều so với giá trị và cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Hệ số ICO (đầu tư trên tăng trưởng) của ta cao gấp đôi so với các nước trong khu vực, có nghĩa là càng đầu tư, thất thoát lãng phí càng nhiều.

Đúng 60 năm về trước, tháng 3-1952, Hồ Chủ tịch đã có bài phát biểu quan trọng với đội ngũ cán bộ cao cấp về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, Người nói: “Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân, của Chính phủ, nó không mang gươm, mang súng, nó nằm ngay trong các tổ chức của ta để phá hoại ta, vì thế chống tham ô, lãng phí cũng quan trọng, cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”. 60 năm đã qua, song bài học về chống tham nhũng, lãng phí của Bác Hồ vẫn còn tươi mới, vẫn mang tính thời sự và còn nguyên giá trị thực tiễn.