Kê sao cho bằng?

(ANTĐ) - Kế hoạch phát triển kinh tế -  xã hội năm 2008, năm bản lề của kế hoạch 5 năm được đặt trên bàn nghị sự kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XII – Quốc hội đưa đất nước hội nhập sâu rộng.

Kê sao cho bằng?

(ANTĐ) - Kế hoạch phát triển kinh tế -  xã hội năm 2008, năm bản lề của kế hoạch 5 năm được đặt trên bàn nghị sự kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XII – Quốc hội đưa đất nước hội nhập sâu rộng.

Đứng ở cột mốc thời gian này nhìn lại thập niên vừa qua, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế vào hạng nhất nhì thế giới với mức thu nhập thực tế tăng bình quân 7,3%/năm và được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 58% dân số (năm 1993) xuống còn 20% vào năm 2004. Chính phủ đã mang điện đến cho 2,7 triệu dân ở vùng nghèo nhất; người dân được học hành và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Dẫu vậy, những nỗ lực đáng khâm phục này chưa đủ để tạo dựng một hệ thống an sinh xã hội được ví như một “tấm lưới” an toàn bảo vệ tầng lớp lao động trước “sóng gió” thị trường, nhất là trong thời buổi hội nhập kinh tế.

Báo cáo vừa được Chương trình phát triển Liên hợp quốc công bố chỉ rõ, tình hình an sinh xã hội của Việt Nam đang thụt lùi. Nhóm thu nhập cao nhất – nhóm 20% người giàu nhất nhận được gần 40% lợi ích an sinh xã hội, trong khi nhóm nghèo nhất chỉ nhận được chưa tới 7%. Nhóm giàu nhất nhận được 45% trợ cấp y tế, còn nhóm nghèo nhất chỉ được 7%.

Tỷ lệ nhận trợ giúp giáo dục của nhóm giàu nhất là 35%, còn nhóm nghèo nhất mới được 15%. Một chuyên gia, trưởng nhóm nghiên cứu của Liên hợp quốc, nhấn mạnh: Việt Nam cần nhanh chóng lấp những khoảng trống đang tồn tại trong hệ thống an sinh xã hội. Kê sao cho bằng sự chênh lệch giàu – nghèo?

Mức thụ hưởng lợi ích an sinh xã hội tùy thuộc vào sự đóng góp của mỗi người và mỗi hộ. Ai có thu nhập cao thì đóng góp nhiều và được hưởng nhiều hơn. Thực tế là, người lao động thành thị khi đóng bảo hiểm xã hội còn được doanh nghiệp đóng góp thêm.

Không có ai “ghé vai” đóng hộ cho người lao động nông thôn. Bảo hiểm xã hội cho người dân sống ở nông thôn chỉ là kế hoạch trên giấy. Các trường học dành cho con em hộ nông dân chất lượng thường thấp hơn, thế nhưng tỷ lệ chi phí cho trẻ đi học trên thu nhập của nông dân lại cao hơn ở thành thị.

Chưa hết, khi phải khám chữa bệnh, dân nông thôn thường phải khăn gói ra thành phố, nơi các bệnh viện tốt hơn nhưng giá đắt hơn  và họ phải tự moi tiền túi ra chi phí vì không được hưởng bảo hiểm y tế. Chi phí ấy đâu chỉ cho người bệnh mà cho cả người đi chăm nom. Việc bán trâu bò, bán ruộng để chữa bệnh không phải hiếm.

Một hệ thống an sinh xã hội bao trùm không thể dựa hoàn toàn vào bao cấp của Nhà nước bởi không đủ tiền để thực hiện chủ nghĩa bình quân. Song cũng không thể hoàn toàn trông cậy vào đóng góp của tầng lớp có thu nhập cao, mà còn dựa vào năng lực quản lý, tính chuyên nghiệp của bộ máy quản lý.

Đương nhiên không thể đòi hỏi một hệ thống an sinh xã hội dành riêng cho người nghèo, nhưng rất cần một hệ thống dành cho tất cả mọi người trong cộng đồng, với chất lượng cao ngang bằng và một sự đối xử công bằng và nhân ái.

Hệ thống an sinh xã hội quốc gia chính là “nền móng” để xây dựng công bằng xã hội và từ đó kiến trúc một nền kinh tế bền vững. Kinh nghiệm cho thấy các quốc gia hội nhập quốc tế thành công thường ưu tiên ngân sách cho các chương trình an sinh xã hội.

Đan Thanh