Quốc hội thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng(sửa đổi):

Kê khai thì có, kiểm soát thì không

ANTĐ - Hôm qua 9-11, Quốc hội đã dành cả ngày thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều ĐBQH đề nghị, cần tịch thu tài sản nếu đối tượng có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc số tài sản ấy.

Nhiều ĐBQH cho rằng: Cần tịch thu tài sản khi người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc (Ảnh minh họa)

Theo dự thảo Luật, phạm vi đối tượng kê khai đã được mở rộng, nhiều đại biểu tán thành nhưng cũng có một số đại biểu đặt câu hỏi việc này có thật sự hiệu quả? ĐBQH Lê Thị Yến, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Phú Thọ nói: “Về lâu dài, việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản là cần thiết để đảm bảo sự công bằng. Nhưng do chúng ta chưa chắc chắn kiểm soát được tài sản- thu nhập, nên mở rộng nữa e rằng không hiệu quả”. ĐB Lê Thị Yến cho rằng, điều quan trọng hơn là các chế tài xử lý khi đối tượng được yêu cầu kê khai tài sản không chịu làm hoặc không giải trình được nguồn gốc tài sản. Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng đề nghị: “Cần tịch thu tài sản nếu không giải trình được hoặc không chịu kê khai tài sản thì mới công bằng. Nếu không làm được việc này thì kê khai chẳng có ý nghĩa gì”. 

ĐBQH Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đề nghị Quốc hội xem xét thiết lập chế tài tịch thu những tài sản cố tình che giấu, không kê khai. Đối với những trường hợp có sự nghi ngờ về tính trung thực của bản kê khai tài sản thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kê khai lại. Sau khi kê khai lại mà vẫn còn nghi ngờ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh và làm rõ những vấn đề nghi vấn. Nếu qua xác minh phát hiện có tài sản chưa được kê khai, cố tình không kê khai thì tiến hành xử lý, có thể ra quyết định tịch thu sung công quỹ nhà nước. “Quy định chặt chẽ, mạnh mẽ như vậy thì mới khắc phục được tính hình thức về kê khai tài sản, tránh trường hợp cố tình che giấu, hoặc phân tán tài sản” - ĐB Huỳnh Nghĩa nói.

Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng để công tác phòng, chống tham nhũng đạt được hiệu quả cần thành lập một cơ quan độc lập. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đoàn ĐBQH TP.HCM) đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia phòng, chống tham nhũng; ĐBQH Nguyễn Viết Nhiên, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng, với cấp Trung ương, phải có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Các cơ quan có bộ phận chuyên trách làm công tác phòng, chống tham nhũng như Viện KSNDTC, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ, cần được quy định chặt chẽ, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ. Đảng đoàn các cơ quan này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương. Tại địa phương, bộ phận chuyên trách của Ban Nội chính có trách nhiệm giúp đồng chí Bí thư trong công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.