Kê khai phải công khai

ANTĐ - Từ ngày 5-9-2013, Nghị định 78/CP về minh bạch tài sản, thu nhập vừa được Chính phủ ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự chậm trễ của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn. Từ năm 2007 đến nay đã có tới ba nghị định cùng nhiều thông tư về vấn đề này, song dường như chưa phải là “phương thuốc” đặc trị tình trạng minh bạch hóa tài sản, thu nhập để phòng chống tham nhũng. 

Báo cáo mới nhất của Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2012 đã có báo cáo kê khai tài sản, thu nhập của 17 bộ, 7 cơ quan Chính phủ, 8 cơ quan, tổ chức thuộc Trung ương, 56 tỉnh, thành phố và 14 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đến nay vẫn còn 13 bộ, ngành ở Trung ương, địa phương chưa gửi báo cáo kết quả kê khai theo quy định. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhận xét, các cấp các ngành đã tích cực thực hiện các quy định của pháp luật và bước đầu đã hình thành tài liệu về kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, việc thống kê, báo cáo còn tình trạng số liệu trùng lặp, chưa chính xác.

Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận việc kê khai còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp. Mục tiêu chính của kê khai là để loại trừ tài sản bất minh. Nghị định 78/CP đã có quy định chặt chẽ hơn Nghị định 68/CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định cần có thêm quy định những tài sản, thu nhập không nằm trong bản kê khai thì phải bị thu hồi, sung công quỹ. Nghị định cũng “vô tình” tạo ra những “kẽ hở” khi quy định những tài sản, khoản tiền mặt giá trị từ trên 50 triệu đồng mới phải kê khai sẽ dễ bị chia nhỏ để lách. Giá trị tài sản còn được xác định bằng tiền phải trả khi mua cũng là một “kẽ hở”, bởi thực tế hiện nay, các giao dịch bất động sản vẫn được ghi giá rất thấp so với giá thực phải trả giữa bên mua và bên bán để giảm thuế. Bàn về việc công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai, nhiều ý kiến lo ngại việc Nghị định 78 quy định công khai trong cơ quan, hội nghị cử tri, không nâng cao được vai trò giám sát của người dân. Họ không thể “tự nhiên” vào cơ quan người kê khai để xem bản xác minh tài sản, thu nhập có chính xác hay không. Mặt khác, những quy định mới đã “bỏ rơi” một đối tượng giám sát quan trọng là người dân khi mục đích kê khai không hướng tới việc minh bạch hóa với người dân. 

Nhìn nhận về những khó khăn trong việc công khai tài sản, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, càng công khai, người dân càng tin tưởng vào sự công minh của chính quyền, tin tưởng vào phẩm chất những người được bầu ra. Kê khai phải công khai thì mới đánh mạnh vào nạn tham nhũng, củng cố lòng tin của người dân.