Kế hoạch ngầm tố cáo bác sỹ tiết lộ giới tính thai nhi

ANTD.VN - Vượt qua những định kiến, một số phụ nữ Ấn Độ đã dũng cảm cùng các nhà hoạt động xã hội vạch mặt những vị bác sỹ trợ giúp lựa chọn giới tính thai nhi. Với họ, việc tiết lộ giới tính thai nhi - dù đã bị cấm từ năm 1994 chính là nguyên nhân khiến hàng nghìn bào thai bị bỏ ở Ấn Độ mỗi năm.

Chưa đầy 5 phút, bác sỹ Sarawati Munde đã siêu âm xong và xác định được giới tính của thai nhi. Khi thai phụ Prerana Bhilare hỏi, vị bác sỹ trả lời: “Tin tốt lành, con trai rồi”. Không ai ngờ, chị Prerana Bhilare đang làm “mồi nhử” để bắt hai vợ chồng bác sỹ Saraswati và Sudam Munde do lựa chọn giới tính thai nhi. Hôm 17-6-2015, Tòa án Parali, bang Maharashtra đã kết tội 2 người này 4 năm tù.

Tương tự, một thai phụ khác cũng ở bang Maharashtra khi gợi ý muốn biết giới tính của thai nhi thì được ra giá 12.500 rupee (khoảng 190 USD). Cô đồng ý và trả tiền cho các dịch vụ, ghi lại tất cả bằng một camera bí mật. Đầu tháng 3-2017, một tòa án ở Malegaon kết tội vị bác sỹ đó cùng anh trai của người này do mở phòng khám và phá thai có lựa chọn giới tính. Họ phải đối mặt với 3 năm tù giam cùng số tiền phạt không nhỏ.

Những thai phụ trong câu chuyện nói trên là tình nguyện viên của Lek Ladki Abhiyan - Tổ chức tuyên chiến với nạn phá thai có lựa chọn giới tính do nhà hoạt động xã hội bà Varsha Deshpande khởi xướng. Từ năm 2004, tổ chức này đã mở hàng chục cuộc điều tra, trong đó 20 đối tượng đã bị kết án.

Khó khăn của những kế hoạch “ngầm”

Prerana Bhilare (32 tuổi) cho biết, cô vẫn ám ảnh bởi cảnh tượng đã chứng kiến tại phòng khám của hai bác sỹ họ Munde, nhất là cảnh những con chó được cho là đang ăn các bào thai nữ đã bị hủy bỏ. Trong cả 3 lần mang thai, Bhilare đều trở thành nhân chứng trong các vụ xử các bác sỹ cố tình vi phạm lệnh cấm về siêu âm lựa chọn giới tính, và những người này đều phải nhận bản án từ 2-3 năm tù.

Theo điều tra dân số năm 2011, Maharashtra là một trong những bang có tỷ lệ chênh lệch giới tính thấp nhất Ấn Độ. Mặc dù khá nhiều tổ chức và cá nhân muốn cải thiện tình trạng này, việc đấu tranh với nạn chọn lựa và bỏ thai nhi nữ không đơn giản. “Chúng tôi phải giúp Prerana chuyển nhà để bảo vệ cô ấy... Người ta kéo đến nhà tôi, kích động. Đó là một cơn ác mộng. Không một cơ quan chính phủ nào hỗ trợ trong những trường hợp này”, bà Deshpande nói.

 Việc tìm kiếm người tình nguyện tham gia vào các kế hoạch “ngầm” này cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết các bà mẹ tương lai từ chối trở thành “vật hy sinh” do lo ngại cho sự an toàn của họ hoặc vì sợ gia đình phản đối. “Chúng tôi phải tìm người có thai từ 14 - 22 tuần. Nhiều lần như trong trường hợp của Prerana, nếu thai phụ đồng ý làm “tay trong”, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin và thực hiện kế hoạch. Nhưng có những lúc chúng tôi có thông tin về bác sỹ nhưng không có ai làm mồi nhử cả”, bà Deshpande kể. Nhiều trường hợp thất bại cũng bởi vì dù mọi việc diễn ra đúng như kịch bản nhưng nhà chức trách không xuất hiện.

 Vẫn còn kỳ thị với nữ giới

Một nữ nhà báo ở Satara đã liên lạc với bà Deshpande gần như ngay lập tức sau khi cô nhận ra mình đã có thai lần thứ hai trong năm 2013. Khi đó, nữ nhà báo đã mang thai tháng thứ sáu và đã phải dựng lên một câu chuyện phức tạp để thuyết phục các bác sỹ(theo luật pháp Ấn Độ, một phụ nữ không được phép hủy bỏ thai sau 20 tuần).

Cô nhớ lại: “Tôi được đưa đến một căn phòng tối. Các bác sỹ mất một vài phút để nhận ra bào thai là nữ. Tôi hỏi ông ta có chắc chắn không. Ông nói chắc chắn 101%. Sau khi ghi âm đoạn hội thoại này, tôi nằm trên ghế sofa giả vờ chóng mặt, thực chất là chờ các cán bộ y tế và cảnh sát tới”.

 Người phụ nữ này đã không kể với bất kỳ ai, dù là đồng nghiệp hay gia đình về chuyện này, trừ chồng của cô. Nhưng sau khi sinh con gái thứ hai, cô cũng cảm thấy bị chính các thành viên trong gia đình mình kỳ thị, thờ ơ. Chính vì sự phân biệt đối xử ấy, cô nói cô sẽ rất vui nếu làm điều này một lần nữa, bởi đó là sự đóng góp của cô cho xã hội.