Kế hoạch đi lại bình thường mới: Mỗi địa phương quy định một kiểu, người dân đi lại thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT đưa ra dự thảo, hành khách khi di chuyển bằng các phương tiện vận tải khách như xe khách, hàng không, đường sắt… không phải tiêm vaccine hay xét nghiệm Covid-19, nhưng liệu các địa phương có chấp hành?

Bộ GTVT vừa gửi đến các địa phương để lấy ý kiến, chuẩn bị trình Chính phủ Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, vận tải hành khách sẽ nới lỏng từng phần theo nhiều giai đoạn, ưu tiên khôi phục mạng lưới vận tải công cộng tại các địa phương; vận tải khách liên tỉnh sẽ do các Sở GTVT tham mưu cho UBND các tỉnh, TP, căn cứ trên diễn biến thực tế của dịch bệnh để tổ chức hoạt động.

Đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt đặt mục tiêu khôi phục bình thường, riêng hàng không chỉ duy trì các đường bay nội địa.

Đáng lưu ý nhất tại dự thảo mới nhất của Bộ GTVT gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành địa phương đã bỏ đi quy định hành khách không phải tiêm vaccine, không phải có Giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính mà chỉ tuân thủ các quy định phòng dịch khi lưu thông. Còn với lái xe và phụ xe hay phi hành đoàn, lái tàu… phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 và có Giấy xét nghiệm Covid-19 trong vòng 72h.

Đây được xem là quy định phù hợp khi mà tỷ lệ phủ vaccine tại các địa phương chưa cao sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân trong bối cảnh bình thường mới.

Việc nối lại hoạt động vận tải khách đang loay hoay với hàng rào quy định phòng dịch

Việc nối lại hoạt động vận tải khách đang loay hoay với hàng rào quy định phòng dịch

Tuy vậy, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đường bộ lại tỏ ra không hào hứng với kế hoạch đi lại bình thường mới mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến này.

Các doanh nghiệp cho hay, mặc dù Kế hoạch của Bộ GTVT không yêu cầu hành khách phải tiêm vaccine hay xét nghiệm Covid-19, nhưng các địa phương lại có quy định riêng, khác với Kế hoạch của Bộ GTVT nên khi áp dụng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc một Công ty xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng trên địa bàn Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: “Tôi theo dõi rất sát những thông tin về kế hoạch nối lại các hoạt động vận tải khách của Bộ GTVT cũng như các địa phương. Nhưng với tình hình này thì doanh nghiệp tôi thấy không mặn mà hoạt động trở lại”.

Theo phân tích của vị Giám đốc này, dù Bộ GTVT đưa ra là không yêu cầu hành khách trên các loại hình vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và đường hàng không) không phải tiêm vaccine hay xét nghiệm Covid-19 nhưng Bộ lại không quản được các địa phương.

Hiện, nhiều địa phương đều đưa ra các quy định khá khắt khe về việc người tỉnh, thành phố khác ra vào địa bàn. Cụ thể như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng… đều có quy định riêng với người ra vào địa bàn.

Như với Lào Cai, tỉnh này quy định, từ 0h ngày 26/9, đối với người đến/về từ các khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vùng bị phong tỏa (tương ứng với màu đỏ trong biểu cập nhật ổ dịch) phải thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Với người đến/về từ các khu vực đang áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn Chỉ thị số 15/CT-TTg (tương ứng với màu cam hoặc vàng trong biểu cập nhật ổ dịch) phải có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong thời gian 72 giờ hoặc 24 giờ bằng phương pháp test nhanh, nếu không có phiếu xét nghiệm phải thực hiện test nhanh có thu phí tại chốt kiểm dịch vào địa bàn tỉnh Lào Cai, đồng thời thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Đối với người đến/về từ vùng thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc tương đương (tương ứng với màu xanh trong biểu cập nhật ổ dịch) phải có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong thời gian 72 giờ hoặc 24 giờ bằng phương pháp test nhanh, nếu không có phiếu xét nghiệm phải thực hiện test nhanh có thu phí tại chốt kiểm dịch vào địa bàn tỉnh Lào Cai, đồng thời thực hiện tự theo dõi sức khỏe 14 ngày kể từ ngày về địa phương.

“Mỗi mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR có giá từ 780.000-1,3 triệu đồng. Vậy có hành khách nào sẽ đi xe khách, tàu hỏa… trừ những trường hợp bất khả kháng như về quê, đi công tác… Vậy với quy định này, khi chúng tôi chở khách ra vào tỉnh Lào Cai thì theo quy định của Bộ GTVT hay của tỉnh Lào Cai?”, vị Giám đốc doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng cũng đặt vấn đề, với nhiều tuyến vận tải khách liên tỉnh, địa phương này cho đi, nhưng địa phương khác không cho đến; Hà Nội cho chạy, nhưng các tỉnh không tiếp nhận, hoặc không cho đi qua, liệu Bộ GTVT có can thiệp được hay không? Chế tài nào để đảm bảo vận tải thông suốt?

Cũng theo ông Bằng, như với vận tải hàng hóa suốt thời gian dài vừa qua, dù Bộ GTVT đã cấp mã QR luồng xanh, Chính phủ, Bộ GTVT cũng nhiều lần yêu cầu địa phương không được “đẻ” quy định riêng gây khó khăn cho vận tải hàng hóa, đứt gãy chuỗi sản xuất nhưng rất nhiều địa phương vẫn có quy định riêng để phòng, chống dịch.

Tại văn bản góp ý về kế hoạch đi lại bình thường mới của Bộ GTVT, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, trường hợp cho chạy lại các tuyến vận tải khách liên tỉnh, các địa phương phải thống nhất được với nhau. Tuy nhiên, việc thống nhất được hay không phải do UBND cấp tỉnh quyết định, quá trình này có thể đòi hỏi rất nhiều thủ tục, thời gian và chưa chắc đã thành công.