Kẽ hở trong quản lý giá cước vận tải

ANTĐ - Giá xăng dầu liên tiếp giảm những ngày gần đây trong khi cước vận tải được cho là đã giảm nhưng mức giảm chưa sâu, thậm chí không ít doanh nghiệp giảm chiếu lệ. Đến thời điểm này thì sự điều hành, quản lý đối với cước vận tải đã bộc lộ rõ điểm yếu.

Kẽ hở trong quản lý giá cước vận tải ảnh 1Người dân luôn quan tâm theo dõi biến động của giá cước vận tải

Bộc lộ nhược điểm

Đại diện Bộ GTVT nhìn nhận, hiện nay giá cước vận tải bằng xe ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, Bộ này cũng thừa nhận, thời gian qua, mặc dù giá  xăng dầu đã liên tiếp giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vận tải chưa điều chỉnh giảm cước vận tải tương xứng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Khảo sát của Bộ GTVT tại các tỉnh, thành cho thấy, hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện quản lý giá cước vận tải hàng hóa, hợp đồng, du lịch, trong khi giá cước hàng hóa ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hóa. 

Theo Nghị định số 177 ngày 14-11-2013 cũng như Thông tư liên tịch số 152 giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT ban hành tháng 10-2014 chỉ quy định, doanh nghiệp nếu muốn điều chỉnh giá cước quá 3% phải thực hiện kê khai lại, nếu cơ quan chức năng không có ý kiến gì thì doanh nghiệp được quyền tăng giá. Chính kẽ hở này đã khiến thị trường cước vận tải ô tô bấy lâu nay gần như không bị quản lý bởi một chế  tài nào, tự do tăng giảm theo thị trường. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ, một thời gian dài chúng ta thông thoáng trong việc quản lý giá cước vận tải, để các doanh nghiệp tự vận hành theo cơ chế thị trường. Chính sự thông thoáng này đã bộc lộ nhược điểm khi giá xăng dầu liên tiếp giảm sâu mà cước vận tải cứ “đủng đỉnh”. 

Giảm chiếu lệ

Cước vận tải luôn là yếu tố cấu thành quan trọng trong giá thành sản phẩm, dịch vụ, do vậy người dân luôn quan tâm, theo dõi sát mỗi diễn biến, biến động của giá cước vận tải. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ cũng như các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc thì vận tải mới rục rịch giảm giá, song không ít doanh nghiệp giảm theo hình thức, chiếu lệ. Thống kê của Sở Tài chính Hà Nội cho thấy, đã có khoảng 70 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội đăng ký giảm giá cước, với mức giảm từ 3-11%, trong đó chủ yếu là vận tải khách cố định và taxi, chỉ có 2 doanh nghiệp vận tải container. 

Theo Công ty CP Bến xe Hà Nội, trong số các bến xe thuộc công ty quản lý có 16 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước vận tải tuyến cố định. Song, theo ghi nhận, mức giảm vẫn còn thấp, phổ biến từ 5-7%, thậm chí có hạng mục chỉ giảm 1.000 đồng- 2.000 đồng/hành khách/chuyến như Công ty CP Tập đoàn vận tải Phượng Hoàng giảm giá vé tuyến Gia Lâm - Triều Dương (Hưng Yên) từ 34.000 đồng/khách/lượt xuống 33.000 đồng… Mức giảm cao nhất thuộc về Công ty CP Thủy bộ Yên Bái, từ 7-10% trên tất cả các tuyến.

Cũng bởi khó quản lý nên ngày 1-12, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá để các cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần. Ngoài ra, bổ sung quy định bắt buộc tất cả các loại giá cước vận tải bằng ô tô đều phải kê khai. Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các địa phương bổ sung giá cước vận tải hàng hóa vào danh mục phải kê khai cước để quản lý theo quy định.

Tuy nhiên, về điều này, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, Điều 15 Luật Giá quy định, cước vận tải không nằm trong danh mục bình ổn giá. Hơn nữa, giá cước vận tải đang có nhiều hãng cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, thực tế chứng minh có nhiều hãng đã hạ giá rất thấp để cạnh tranh với nhau. Như vậy, thời gian tới chưa cần bổ sung giá cước vận tải vào danh mục Nhà nước bình ổn giá.