Rượu pha cồn công nghiệp:

Kẻ giết người giấu mặt

(ANTĐ) - Chỉ chưa đầy nửa tháng qua, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai đã liên tục tiếp nhận 4 bệnh nhân bị ngộ độc nặng do uống phải rượu pha methanol, chất độc hại thường được gọi nôm na là “cồn công nghiệp”.

Rượu hay cồn?
Cả 4 bệnh nhân ngộ độc nặng nói trên hiện vẫn đang phải nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, trong đó qua tìm hiểu ban đầu có đến 2 trường hợp ngộ độc do uống rượu vodka. Chúng tôi được các bác sĩ Trung tâm Chống độc giới thiệu cho gặp trường hợp ngộ độc điển hình nhất là ông Trịnh Hữu Nh, ở Hoàng Mai, Hà Nội. Năm nay đã 72 tuổi và từng nghiện rượu nhiều năm, trung bình mỗi ngày uống đến 500ml rượu, ông Nh không thể ngờ rằng có ngày mình suýt mất mạng, phải nhập viện cấp cứu chiều 13-6 vì uống rượu. Khi nhập viện, ông Nh đã ở trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, toàn thân tím tái. Xét nghiệm máu, các bác sĩ định lượng được nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân ở mức cao (56,3mg/100ml máu). Xét nghiệm mẫu rượu mà người nhà bệnh nhân mang đến, các bác sĩ thực sự “choáng” khi thấy lượng methanol trong rượu lên đến 26.677mg/100ml rượu, có nghĩa gần 34% hàm lượng trong rượu là methanol. Theo lời kể, loại rượu này được ông Nh mua ở một đại lý lớn, có địa chỉ rõ ràng.
Kẻ giết người giấu mặt ảnh 1
Uống rượu pha methanol, bệnh nhân Đỗ Quốc N suýt mất mạng
Cạnh phòng bệnh nhận Nh là bệnh nhân Đào Chính Ng, 49 tuổi, cũng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo bác sĩ trực tiếp điều trị, bệnh nhân Ng nhập viện với các triệu chứng rất điển hình của ngộ độc rượu pha methanol như đau đầu, nôn, nhìn mờ, hôn mê, suy hô hấp. Xét nghiệm nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân này lên đến 353,6 mg/100ml (cao gấp 6 lần so với bệnh nhân Nh). Bệnh nhân khác là ông Nguyễn Mạnh C, 60 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Định lượng methanol trong máu của bệnh nhân là 35,5mg/100ml. Theo lời kể, ông C nhập viện hôm 13-6, trước đó ông có uống hết 1 chai rượu vodka loại nhỏ, chai rượu này ông mua tại một cửa hàng trên đường…
Dễ gây tử vong
Tuy đều đã được điều trị qua cơn nguy kịch nhưng khả năng bị di chứng, nhất là giảm thị lực ở các bệnh nhân nói trên rất cao, trong đó còn một bệnh nhân vẫn phải thở máy là Đỗ Quốc N, 41 tuổi, ở Khoái Châu (Hưng Yên). Bác sĩ Hà Trần Hưng, Trung tâm Chống độc cho biết, ngộ độc methanol là một dạng ngộ độc rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong, thậm chí nếu không được điều trị thì tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Methanol khi vào cơ thể người sẽ nhanh chóng chuyển thành axit formic, gây độc. Đáng sợ hơn, quá trình chuyển hóa từ methanol sang axit formic thường diễn ra trong khoảng 12-24 giờ, nếu uống kèm rượu thì thời gian có thể lâu hơn, do đó thường sau khi uống rượu khoảng 12 giờ bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng ngộ độc và khi nhập viện đã ở trong tình trạng rất nặng. Theo các chuyên gia, methanol là chất cồn vốn chỉ được dùng trong công nghiệp, khi uống nhiều methanol vào cơ thể, nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù. Dù vậy, vì lợi nhuận mà nhiều người sản xuất vẫn cố tình pha thêm methanol vào rượu để tăng độ nặng của rượu, giảm giá thành sản phẩm. Bác sĩ Hưng cho biết, hàng năm Trung tâm Chống độc tiếp nhận rất nhiều ca ngộ độc vì uống rượu methanol vào cấp cứu, riêng thời gian này số ca nhập viện tăng khá bất thường. Do tính chất nguy hiểm của ngộ độc methanol, BV đã thông báo đến cơ quan chức năng về quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm để xác minh làm rõ và truy tìm nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng của loại rượu “công nghiệp” đã gây ngộ độc cho các bệnh nhân trên.