Những sát thủ săn tàu ngầm (1):

“Kẻ đi săn” tàu ngầm trên biển Đông

ANTĐ - Lực lượng máy bay tuần tra trên biển của hải quân Mỹ là lực lượng tác chiến rất mạnh, mặc dù đã nhiều lần tinh giảm biên chế nhưng hiện tại vẫn còn 37 trung đội máy bay tuần tiễu (trong đó có 17 trung đội dự bị). Hiện lực lượng chủ lực của các trung đội này là loại máy bay P-3C Orion.

P-3C Orion là sản phẩm của Công ty Lockheed Martin - Mỹ, thuộc loại máy bay trinh sát, chống ngầm cất cánh từ đất liền, chủ yếu dùng để thực hiện tác chiến săn ngầm trên biển tầm xa và tác chiến chống hạm và yểm hộ cho biên đội tàu sân bay trên toàn cầu, trong mọi điều kiện thời tiết.

P-3C có chiều dài 35,6 m, sải cánh 30,4 m, trọng lượng cất cánh tối đa 64,4 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt, tốc độ trên 600 km/h, hành trình tối đa 9000 km, bán kính hoạt động tối đa gần 4000 km với phi hành đoàn 11 người.

Phần bụng phía trước máy bay này thiết kế 1 khoang đạn có kích thước 3,91m X 2,03m X 0,088m, dưới cánh máy bay có 10 giá treo vũ khí. Vũ khí chính dùng để tác chiến của P-3C có ngư lôi MK-46, tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, tên lửa đối đất AGM-65 Maverick, ngoài ra nó có thể mang theo bom nổ dưới nước, bom thông thường, thủy lôi. Thiết bị trinh sát ngầm mang theo là các loại radar, thiết bị thăm dò từ tính và hồng ngoại, ngoài ra còn hệ thống phao sonar, phao nước và pháo sáng.

Mỹ thường sử dụng P-3C Orion để bảo vệ biên đội tàu sân bay của mình

Thế hệ máy bay P-3 đã phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ được 40 năm, trải qua nhiều lần cải tiến, nâng cấp; kiểu cuối cùng trong thuộc thế hệ này là máy bay P-3C “Orion” đã ngừng sản xuất năm 1990. Do đã xuống cấp trầm trọng, năm 2003 – 2005, hải quân Mỹ đã thải loại gần 80 chiếc thuộc kiểu P-8A/B, hiện nay chỉ còn sử dụng hơn 150 chiếc P-3C sản xuất thời gian gần đây.

Mặc dù Hải quân Mỹ đã phát triển máy bay P-8A Poseidon tiên tiến hơn, đồng thời có kế hoạch thay thế P-3C vào năm 2013, nhưng việc sản xuất đủ hơn 100 chiếc P-8A cũng mất rất nhiều thời gian nên hải quân Mỹ đã bắt đầu nâng cấp 5 máy bay P-3C đầu tiên thành P-3C4, đồng thời cũng bắt tay vào cải tạo lại 50 trong số 157 chiếc hiện đang sử dụng.

Nội dung cải tiến gồm: liên kết dữ liệu Link 16, thông tin vệ tinh băng thông rộng được mã hóa của vệ tinh thông tin hàng hải quốc tế và hiển thị hình ảnh chiến thuật tích hợp dựa trên hệ điều hành Windows. Liên kết dữ liệu Link 16 chủ yếu dùng cho chia sẻ dữ liệu với lực lượng NATO, thông tin vệ tinh thì cung cấp truyền dữ liệu giao thức internet và cuối cùng thực hiện video trực tuyến.

P-3C Orion cũng thường xuyên phối hợp với tàu ngầm để chống tàu ngầm địch

Đầu năm nay, hải quân Mỹ cũng đã cải tạo kỹ thuật hệ thống âm thanh, tăng cường khả năng tiếp nhận phao sonar cho 74 chiếc.

Hiện nay, Mỹ đang cân nhắc đề nghị của Philippines về việc triển khai P-3C4 (biến thể nâng cấp hiện đại nhất của P-3C Orion) và UAV trinh sát chiến lược RQ-4 Global Hawk tại Philippines và giúp đỡ Manila xây dựng trung tâm giám sát bờ biển quốc gia.

Nguyên nhân Philippines đưa ra lời đề nghị với Mỹ không nằm ngoài lí do giám sát và hạn chế tầm hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc.

Về tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược, hiện Trung Quốc có 1 tàu lớp 092 (lớp Hạ) trang bị tên lửa Cự Lang-1A (JL-1A) và 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp 094 (lớp Tấn). Hiện họ đang đóng 3 chiếc và vừa bắt tay đóng mới chiếc thứ 4, nâng tổng số tàu ngầm hạt nhân lớp 094 lên con số 6. Có thông tin cho rằng, 3 chiếc tàu ngầm đang chế tạo được trang bị hệ thống vũ khí của lớp tàu ngầm tương lai 096 (có lượng giãn nước lên tới 1,6 vạn tấn), trang bị 24 quả tên lửa đạn đạo.

Hải quân Philippines và Nhật Bản sẽ sử dụng P-3C để chống tàu ngầm Trung Quốc

Còn về tàu ngầm đa dụng, Trung Quốc hiện có 3 tàu lớp 091 (lớp Hán) và 2 tàu ngầm hạt nhân lớp 092. Hiện nay, họ đang đóng một chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp 093 (lớp Thương), có tính năng được so sánh ngang với tàu ngầm hạt nhân 671RTM của Nga. Hải quân Trung Quốc còn xây dựng kế hoạch trước năm 2020 sẽ đóng xong 5 tàu ngầm hạt nhân lớp 095, về tàu ngầm thông thường, họ cũng có trên 50 chiếc,

Việc Trung Quốc đang nỗ lực phát triển lực lượng tàu ngầm làm các nước trong khu vực không khỏi quan ngại, nhất là các nước đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Tất nhiên là Mỹ không thể để các đồng minh thân cận như: Philippin, Nhật Bản, Hàn Quốc… phải lo lắng. Lời đề nghị của Philippines nhiều phần sẽ được Mỹ đáp ứng với lí do để bảo vệ các tàu chiến của mình sau khi Mỹ quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự bằng cách gửi hàng loạt tàu ngầm và 2 tàu sân bay đến khu vực biển Đông và dự định quay trở lại căn cứ Subic.

Kỳ 2: Khám phá những kẻ săn ngầm trên biển Hoa Đông