Kẻ "đạo diễn" giấu mặt lộ sáng?

ANTD.VN - Cuối cùng thì Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đưa ra chứng cứ cáo buộc tình báo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đồng thời công bố báo cáo phân tích chi tiết đầu tiên về vấn đề gây tranh cãi trên.

Bộ An ninh nội địa Mỹ theo dõi chặt chẽ các vụ tấn công mạng

Báo cáo dài 13 trang, do FBI phối hợp với Bộ An ninh nội địa Mỹ và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ thực hiện, cho thấy những chi tiết kỹ thuật liên quan đến các công cụ và cơ sở hạ tầng mà các cơ quan tình báo Nga đã sử dụng để “gây tổn thương, khai thác mạng lưới liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ, cũng như một loạt các thực thể chính phủ Mỹ, các thực thể chính trị và tư nhân”. 

Cũng theo báo cáo, kể từ giữa năm 2015, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) - một trong 2 cơ quan tình báo chủ lực của Nga - đã gửi những đường chứa các mã độc đến hơn 1.000 tài khoản thư điện tử (e-mail), bao gồm các mục tiêu thuộc Chính phủ Mỹ. Báo cáo cho biết trong số các mục tiêu bị ảnh hưởng có Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) - ủy ban sau đó cũng bị Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) xâm nhập vào đầu năm 2016.

Đây là kết quả của cuộc điều tra do đích thân Tổng thống Mỹ B. Obama yêu cầu nhằm xem xét toàn diện những gì đã xảy ra trong quá trình bầu cử năm 2016 và rút ra bài học kinh nghiệm. Theo Washington Post, cuộc điều tra được tiến hành theo 2 hướng. Thứ nhất, là nghi vấn tấn công mạng nhằm vào hòm thư của ứng viên tổng thống H. Clinton và các quan chức thuộc Ủy ban Dân chủ Quốc gia Mỹ hoặc lan truyền những thông tin bất lợi cho bà H. Clinton. Thứ hai, là hình thức có thể tác động đến quá trình bầu cử. 

Nay thì kết quả đã được đặt lên bàn Tổng thống B. Obama. Tuy nhiên, sự thật đến đâu thì vẫn là chủ đề gây tranh cãi, chia rẽ. Sự nghi ngờ không phải không có cơ sở bởi mới hồi tháng 8 vừa rồi, một tin tặc có biệt danh là Guccifer 2.0 đã đột nhập đánh cắp rồi “tung hê” lên mạng các tài liệu nội bộ của đảng Dân chủ liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống chưa diễn ra, bao gồm thông tin của toàn bộ thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện gồm tên, số điện thoại, địa chỉ email và cả… mật khẩu để đăng nhập hệ thống.

Phần lớn các tài liệu mà tin tặc này lấy được là từ máy tính của Chủ tịch Hạ viện Mỹ               N. Pelosi. Sau khi bị phát hiện, Guccifer 2.0 tiết lộ rằng đánh cắp được thông tin của Đảng Dân chủ bởi việc đặt mật khẩu quá đơn giản như “welcome”, “democrat” được lặp đi lặp lại nhiều lần, đồng thời khẳng định công khai mình là người Rumani. Tuy nhiên, khi họp báo về vụ tấn công này, bà N. Pelosi cứ kiên quyết khẳng định Guccifer 2.0 là “người Nga”.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Nga phản ứng mạnh sau báo cáo mà FBI đưa ra, đặc biệt là khi Chính phủ Mỹ công bố một loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế để trả đũa chiến dịch tấn công mạng mà Mỹ cho là nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của cơ quan an ninh Nga.

Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông D. Peskov tuyên bố Matxcơva phản đối những đánh giá và cáo buộc vô căn cứ nhằm vào nước này, nhấn mạnh Mỹ muốn hủy hoại các mối quan hệ giữa hai nước vốn hiện đang ở thời điểm tồi tệ, đồng thời khẳng định Nga sẽ có các phản ứng đáp trả tương ứng.

Ngay cả Tổng thống Mỹ đắc cử D. Trump cũng không tin vào báo cáo về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử. Phản ứng trước báo cáo của FBI, ông D. Trump cho biết sẽ gặp giới chức lãnh đạo tình báo Mỹ để làm rõ thông tin về việc này. Vẫn như trước đây, ông               D. Trump tỏ rõ sự nghi ngờ khi nhấn mạnh đã đến lúc nước Mỹ hướng về phía trước với những điều tốt đẹp và lớn lao hơn, hàm ý những cáo buộc của FBI với Nga không phải là điều đáng quan tâm. Lời cáo buộc Nga là kẻ “đạo diễn” giấu mặt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ còn gây nhiều tranh cãi.