Kể chuyện sử thi trên đài thờ Trà Kiệu

ANTĐ - Sau nhiều thế kỷ bị bỏ quên và hoang phế, những di tích Chăm ở Trà Kiệu được chú ý đến từ những năm cuối thế kỷ 19 với việc phát hiện một số hiện vật điêu khắc có giá trị. Trong đó, có một đài thờ còn tương đối nguyên vẹn đã được tìm thấy tại làng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) vào năm 1891. 

Các bộ phận của bảo vật này đã được đưa về Đà Nẵng vào tháng 12-1891 và tháng 1-1892. Đó chính là đài thờ Trà Kiệu hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng. Đài thờ được trang trí tinh xảo với bốn cảnh chạm nổi. Chiếc đài thờ bằng sa thạch, cao 176cm có cấu tạo gồm 2 phần với phần bệ vuông ở dưới và bệ Yoni tròn ở trên. Bệ Yoni với hai thớt tròn đối xứng qua hai lớp cánh sen và một chiếc linga ba tầng đặt trong lòng là một cấu tạo tiêu biểu của tổ hợp Yoni-Linga trong văn hóa cổ Ấn Độ đã được tiếp thu vào văn hóa Chăm.

Về nội dung của các bức phù điêu được chạm trên đài thờ này, cho đến nay đều nghiêng về nhận định những cảnh này chính là minh họa của tác phẩm văn học Ramayana, tuy rằng chúng không phản ánh trung thực nội dung của tác phẩm văn học đó. Theo đó, trên bốn cạnh của đài thờ, bốn hoạt cảnh lớn về đám cưới của chàng Rama và nàng Sita đã được dựng lại. Điều đó càng chứng tỏ sức ảnh hưởng của sử thi Ramayana với nền văn hóa Chăm. Cho đến nay, hầu hết các công trình nghệ thuật Chăm thể hiện những chủ đề Ramayana được tìm thấy đều là những tác phẩm trang trí kiến trúc ở các đế tháp và mái tháp. Chỉ có đài thờ Trà Kiệu là đài thờ điêu khắc duy nhất thể hiện một chủ đề cụ thể theo lối kể chuyện từ bộ sử thi này. Đây chính là sự độc đáo của đài thờ. Từ một tác phẩm văn học, với tài năng của các nghệ nhân, nghệ sĩ, chúng ta đã có một bảo vật độc đáo- đài thờ Trà Kiệu.