- Phá đường dây lừa đảo công nghệ cao toàn 'cao thủ' 10X
- Tội phạm công nghệ cao chiếm 67,5% tổng số vụ lừa đảo
- Cảnh giác trước chiêu lừa đảo của tội phạm công nghệ cao
Theo điều tra, đường dây này do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, hoạt động tại khu PoiPet (Campuchia). Chúng sử dụng chính những người Việt để lừa đảo người Việt.
Một trong những đối tượng hoạt động đắc lực trong đường dây này là Đinh Văn Quân (sinh năm 1996, quê quán tỉnh Thanh Hóa). Ban đầu, Quân sang Campuchia làm việc tại ở khu PoiPet, nhưng do không hiệu quả nên bị chuyển sang làm phụ bếp.
Khoảng tháng 6-2024, Quân được nhận trở lại làm việc, được giao nhiệm vụ “giết khách” (trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo). Qua lời khai của Quân thì tổng số tiền lương, thưởng mà anh ta nhận được khoảng 150 triệu đồng, sau khi lừa được khoảng 1,5 tỷ đồng.
Tương tự, đối tượng Vũ Quang Khải (sinh năm 2000, quê quán tỉnh Bắc Giang), làm việc tại công ty lừa đảo từ tháng 4-2024. Khải được giao mã nhân viên dùng để trao đổi, liên lạc, báo cáo kết quả công việc với tổ trưởng và các bộ phận liên quan.
Trong thời gian làm việc, Khải đã trực tiếp thông qua hệ thống lừa nhiều bị hại tại Việt Nam, trong đó riêng cuối tháng 3-2024, đối tượng lừa được khoảng 1,2 tỷ đồng; qua đó nhận tổng số tiền lương, thưởng khoảng 160 triệu đồng.
|
||
Đường dây tội phạm này hoạt động chặt chẽ, có sự phân công công việc cụ thể cho các tổ, nhóm, như nhóm gọi điện thoại làm quen lôi kéo, nhóm nhắn tin tương tác hướng dẫn, nhóm đưa ra các lý do để bị hại nộp thêm tiền, nhóm đóng vai các bị hại để tạo lòng tin.
Mảng lừa đảo người Việt Nam được chia làm nhiều bộ phận. Công việc chính đó là tìm kiếm "con mồi", và dựa trên kịch bản được dàn dựng sẵn để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ phận gọi điện có nhiệm vụ gọi điện tìm kiếm khách, giới thiệu công việc. Khi có khách nhận lời thực hiện công việc, bộ phận gọi điện sẽ hướng dẫn khách kết bạn với tài khoản zalo của bộ phận hướng dẫn và người trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo.
Sau khi kết bạn Zalo với khách, bộ phận hướng dẫn sẽ trò chuyện với khách để hướng dẫn công việc, hướng dẫn khách tải, đăng ký tài khoản tải ứng dụng trò chuyện của công ty như Cochat, Dealay…, hướng dẫn khách đăng ký ví nhận tiền tại các trang web của công ty cung cấp như: http://m.bozmrvvrcuywy.com, http://m.lumidexna.cc...
Bộ phận hướng dẫn sẽ cho khách vào các nhóm để hướng dẫn làm việc, làm hoạt động. Trong các nhóm này có nhiều tài khoản ảo, các tài khoản này đóng vai các khách mua gói nhiệm vụ, hoạt động, nạp tiền để tạo sự tin tưởng cho khách thật.
Các đối tượng thường trả cho bị hại các khoản lợi nhuận nhỏ. Khi khách tin tưởng, chọn mua gói hoạt động và nạp số tiền lớn, bộ phận hướng dẫn sẽ đưa ra các lý do cho khách không thể rút tiền như: thao tác sai, chuyển tiền sai nội dung, nộp tiền để tăng điểm tín dụng, yêu cầu khách phải nộp thêm tiền mới rút được tiền rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó.
Bộ phận hướng dẫn sẽ lấy thông tin tài khoản ngân hàng từ bộ phạn quản lý tài khoản ngân hàng của công ty rồi gửi cho khách để khách tiến hành nạp tiền. Bộ phận kiểm tra, xác nhận việc khách chuyển tiền sẽ gọi điện thoại cho khách để xác nhận số tiền khách đã bị chiếm đoạt có đúng với số tiền mà tổ hướng dẫn đã báo cáo.
![]() |
Các đối tượng trong vụ án |
Quá trình đấu tranh chuyên án, lực lượng Công an đã xác định, triệu tập 15 đối tượng cả nam lẫn nữ, trú tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang.
Theo lời khai của các đối tượng thì tại tòa nhà ở khu PoiPet (Campuchia) do người Trung Quốc quản lý có nhiều tầng, mỗi tầng là mỗi khu vực làm việc của các nhân viên các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…. Những đối tượng quản lý người Trung Quốc này tuyển và sử dụng những nhân viên biết tiếng của nước nào thì trực tiếp lừa đảo các bị hại chính nước đó...