Kể chuyện làm phim “Chiến hạm nổ tung”

ANTĐ - Dựa theo tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách” của nhà văn Lê Tri Kỷ, bộ phim truyền hình dài 30 tập “Chiến hạm nổ tung” vừa ra mắt khán giả từ ngày 20-8 vào lúc 17h30 trên kênh VTV9 - Đài Truyền hình Việt Nam. Phim đánh dấu sự trở lại của ê kíp: Cố vấn nghệ thuật - đạo diễn Long Vân, tác giả kịch bản Lê Xuân Hải, cùng 2 đạo diễn Khương Đức Thuận và Trần Chí Thành.

Huệ Minh trong vai nữ điệp báo viên Anh hùng Nguyễn Thị Lợi 

20 năm ấp ủ dự định

Đạo diễn Long Vân kể, từ những năm 1965 - 1970, trong quá trình thực hiện bộ phim “Không nơi ẩn nấp” ông có dịp gặp gỡ và làm việc cùng đại tá Kim Sơn (một trong số những người của tổ điệp báo viên A13 năm xưa). Trong một lần trò chuyện, Đại tá Kim Sơn vô tình kể, mình đã từng tham gia đánh đắm chiến hạm Amyot D’Inville năm 1950 trên biển Sầm Sơn- Thanh Hóa.  Nhà văn Lê Tri Kỷ, khi đó thi thoảng cũng rong ruổi cùng đoàn làm phim, và được đạo diễn Long Vân “xui” viết một cái gì đó về tổ điệp báo anh hùng kia.

Bẵng đi một thời gian, đến năm 1986, nhà văn Lê Tri Kỷ bất ngờ tặng ông cuốn tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách”. Đạo diễn Long Vân đọc xong liền mê mẩn và ấp ủ một ngày nào đó, sẽ đưa chiến công anh hùng của tổ điệp báo A13 lên phim. Thời gian trôi đi, dù tên tuổi Long Vân đã được vinh danh bằng sự thành công của nhiều bộ phim, nhưng chưa bao giờ trong ông nguôi ý định dựng lại chân dung anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Một lần tình cờ, ông gặp một người quen, người này kể rằng Đài Truyền hình TP.HCM muốn dựng một bộ phim về đề tài lịch sử. Như “cá gặp nước”, ngay lập tức, ý tưởng của Đạo diễn Long Vân đề ra được duyệt, Đài mạnh tay chi cho đoàn làm phim 400 triệu đồng/ tập.

Cảnh trong phim “Chiến hạm nổ tung”

Gian nan tìm bối cảnh

Từng kinh qua với bộ phim “Giải phóng Sài Gòn”, hơn ai hết, đạo diễn Long Vân là người thấu hiểu những gian nan của việc làm phim lịch sử trong điều kiện eo hẹp. Nhưng vị đạo diễn già vẫn quyết thực hiện “Chiến hạm nổ tung” bằng được. Riêng việc đi tìm bối cảnh nhà của nhân vật Trúc Lâm (nguyên mẫu là Đại tá Kim Sơn) đã ngốn của đoàn làm phim 6 tháng trời. Đi hết từ Nam chí Bắc, không chọn được ngôi nhà nào mang dáng dấp cổ kính, cuối cùng đành phải chọn một ngôi nhà giữa trung tâm Sài Gòn. Nhà cổ, nhưng khung cảnh xung quanh lại rất hiện địa. Đoàn làm phim cũng mất tới 2 tháng trời mới tìm được ngôi nhà ở Mai Châu - Hòa Bình cho cảnh quay nhà của nhân vật Văn Hoàng. Vì bối cảnh phim diễn ra vào cuối những năm 1948 đầu những năm 1950, nên xe ô tô cũng phải cổ. Êkíp làm phim chạy chỗ nọ chỗ kia, cậy nhờ các mối quan hệ để mượn mấy chiếc xe jeep. Vì là xe cổ, nên trên đường chạy từ TP.HCM ra đến Hà Nội, xe hỏng mấy lần.

Đạo diễn Khương Đức Thuận thì lại bảo, gian nan nhất vẫn là chuyện mượn bối cảnh chiến hạm Amyot D’Inville. Mượn ở đâu được con tàu lớn như vậy bởi có tiền cũng không có mà thuê? Có những lúc mọi việc tưởng như vào ngõ cụt, thành viên đoàn làm phim ngao ngán bảo với nhau: “Nếu khó quá thì thuê cái tàu cá quay vậy”. Khi nghe đến phương án thuê tàu cá, cả 3 đạo diễn của “Chiến hạm nổ tung” đều giật mình, bởi nếu phải thuê tàu cá thay cho Amyot D’Inville thì coi như hỏng cả bộ phim. Rốt cuộc, đoàn làm phim cũng mượn được tàu từ Bộ Tư lệnh Hải quân. Khi xem phim, khán giả sẽ thấy diễn viên vào vai tướng lĩnh Pháp rất ngọt. Bật mí, ngoài đời họ đều là kỹ sư người Nga thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Hài lòng với dàn diễn viên

Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy vào vai vua Bảo Đại thời trẻ

“Cho đến nay, tôi hoàn toàn hài lòng với dàn diễn viên trong phim”- đạo diễn Khương Đức Thuận chia sẻ. Chuyện tìm diễn viên vốn tưởng dễ mà hóa ra không, phải tìm được diễn viên có cái nét trong sáng của người ngày xưa, chứ sắc sảo quá cũng hỏng. Phim đã tập trung khắc họa hình ảnh của nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi, một nhân vật điển hình trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Rốt cuộc, diễn viên Huệ Minh - người từng được biết đến qua bộ phim “Hướng nghiệp” được “nhắm” cho vai nữ chính. “Cô ấy có nét mặt cương nghị của một chiến sĩ cách mạng, đồng thời cũng toát lên được vẻ sang trọng, hách dịch khi sắm vai phu nhân ngài Quốc vụ khanh Văn Hoàng. Huệ Minh cũng thể hiện tốt các trường đoạn diễn nội tâm về tình yêu sâu kín cô dành cho Văn Hoàng” - đạo diễn Trần Chí Thành nhận xét. Trên phim, cuộc đời của người phụ nữ Nam Bộ bế con từ nhà ở Châu Đốc, An Giang ra tận xứ Bắc để tìm chồng, rồi trở thành một điệp báo viên anh hùng đã được Huệ Minh thể hiện đầy cảm xúc. 

Trong phim còn có sự tham dự của nghệ sĩ violon Bùi Công Duy trong vai vua Bảo Đại. Ngoài đời Bùi Công Duy không biết hút thuốc lá, nhưng trên phim lại phải diễn cảnh hút… thuốc lào. Để có được màn vua Bảo Đại nhả thuốc lào sảng khoái, cả đoàn làm phim phải mướt mồ hôi, quay đi quay lại, vì hễ cứ hút là Bùi Công Duy lại ho sặc sụa. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của đoàn làm phim “Chiến hạm nổ tung”.