Kể chuyện đi xem phim rạp ở Hà Nội thời đầu giải phóng

ANTD.VN - Chuyện trẻ con đi xem phim ở rạp Hà Nội 40-50 năm về trước nếu kể lại có vô số tình tiết hài hước. Kiểu như đang xem mất điện, rạp trả vé, mai đến xem tiếp.

Ông Già Khốt Ta Bít, bộ phim từng quyến rũ cả một thế hệ thiếu nhi Việt Nam

Thập niên 60 thế  kỷ trước, con trẻ Hà Nội đã gọi bố là “ông Khốt” và mẹ là “bà Khốt”. Cách gọi đó bắt nguồn từ sau khi bộ phim thần thoại dành cho thiếu nhi “Ông già Khốt Ta Bít”  được trình chiếu và “làm mưa làm gió” ở rạp Hòa Bình, Kim Đồng.  

Rạp “di động”, phim đèn chiếu

Trong khoảng năm 1952-1954, khu vực phía bắc hồ Gươm có vài người  chiếu phim thùng cho trẻ con xem. Thùng bằng tôn cao chừng 80cm, rộng cỡ 1m và dài hơn 1m, có gắn 4 bánh xe để dễ dàng di chuyển đến chỗ đông trẻ con. Trẻ con gọi là rạp “chiếu bóng di động”. Bên trong thùng có nguồn phát sáng như đèn pin chiếu qua âm bản lên màn ảnh.

“Chủ rạp” quay tay, khuôn hình dừng lại thì “thuyết minh” nội dung cho đến hết bộ phim. Khán giả chủ yếu là  trẻ con, được “chủ rạp” cho ngồi trên ghế  đàng hoàng ghé mắt qua lỗ. Mỗi lần xem chỉ một đứa. Phim được chiếu là các phim cũ bị loại ra, “chủ rạp” mua lại cắt bỏ rất nhiều nên mỗi bộ phim chỉ còn chừng 5 phút; nếu dài quá số tiền kiếm được sẽ ít.

Suốt thời bao cấp chỉ khoảng hơn chục phim ở các thể loại dành cho lứa tuổi  này: Nàng Varvara xinh đẹp, A-la-đanh và cây đèn thần; Lửa, nước,ống đồng;Chấm, chấm, phẩy; Công chúa và hạt đậu, Ruxlan và Lut-mi-la, Nàng tiên cá, Em bé tìm cha, Cậu bé kỳ quặc lớp 5B, Học kỳ cuối  cùng... Cái thời thiếu  thốn ấy đã qua nhưng dù sao nó cũng là khoảng thời gian đáng nhớ cho một lớp người.

Ngày chủ nhật, trẻ con đi chơi Bờ hồ nằng nặc đòi bố mẹ cho xem. Sau năm 1954 ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và bến tàu điện Đinh Tiên Hoàng (nay là bến xe buýt) vẫn còn phim thùng. Phim Tarzan được trẻ con thích nhất. Khi miền Bắc bị ném bom, các rạp di động bị cấm vì công an sợ tụ tập đông người làm mục tiêu cho máy bay.

Để có phim chiếu cho thiếu nhi xem, năm 1960, Sở Văn hóa Hà Nội thành lập xưởng phim đèn chiếu. Các họa sỹ của xưởng vẽ trên giấy sau đó chụp lại bằng máy ảnh. Khi chiếu, một người cho từng tấm phim âm bản qua máy phóng lên màn ảnh, người khác thì thuyết minh nội dung. Phim đèn chiếu được các đội  lưu động mang chiếu ở các huyện ngoại thành, thu hút rất đông trẻ em.

“Hòa Bình rực phim mầu” 

Trước năm 1954 hầu hết các rạp chiếu bóng (sau này gọi là chiếu phim) là của tư nhân. Và  không có rạp nào dành riêng cho trẻ con, phần vì ít phim, phần vì giá vé phải rẻ nên các chủ rạp sợ lỗ. Thế nên trẻ yêu thích phim phải xem “ké”  phim dành cho người lớn.

Năm 1959, Nhà nước thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, các chủ rạp phải công tư hợp doanh và sau đó rạp là của quốc doanh. Nhà nước dành 2 rạp chuyên chiếu phim cho thiếu nhi là Hòa Bình và Kim Đồng. Rạp Hòa Bình (nay là Nhà hát múa  rối Thăng Long ở phố Đinh Tiên Hoàng) có xuất xứ là rạp Hội Âm nhạc, ra đời từ năm 1885, chuyên dùng biểu diễn âm nhạc.

Thập niên 1930, rạp trở thành nơi chiếu phim. Hai phần ba phía trên là ghế tựa, còn lại phía dưới là ghế băng, giá ghế băng rẻ nên thu hút đông học sinh con nhà nghèo vào xem. Nhà thơ Trần Đăng Khoa lúc còn nhỏ đang nổi như cồn ra Hà Nội, đi qua Bờ hồ đã có câu thơ “Hòa Bình rực phim mầu”, trẻ con đi sơ tán cả, hình như lúc ấy rạp đóng cửa vì Hà Nội bị ném bom.

Rạp Kim Đồng (phố Hàng Bài, nay là Trung tâm văn hóa Kim Đồng) ra đời năm 1953. Thời Pháp thuộc, đây là nhà ăn của khách sạn Pháp quốc, năm 1949 thuộc sở hữu của ông Phạm Thuật. Từ ngày trở thành rạp quốc doanh, cả Hòa Bình và Kim Đồng ít được sửa chữa, nâng cấp nên chất lượng âm thanh kém, khu vệ sinh rất tệ, ai ngồi gần vừa xem vừa bịt mũi. Thời bao cấp xem phim ở các rạp nói chung rất bực mình vì đến đoạn đang hay thì mất điện, khán giả phải ngồi chờ.

Chờ mãi vẫn chưa có điện rạp lại thông báo hủy, khán giả nhận lại vé để  ngày mai đến xem tiếp. Cũng có hôm đến giờ chiếu  mà vẫn chưa có điện, lại tiếp tục chờ. Nhưng ở rạp Kim Đồng còn một nỗi khổ khác, lúc đang xem mà trời mưa, thì nước theo ống thông khí trên trần chảy thành dòng vào rạp. Năm 1977 khi khánh thành Cung Thiếu nhi thì Hà Nội có thêm một rạp chiếu bóng nữa là Khăn quàng đỏ, vừa để biểu diễn văn nghệ vừa dùng chiếu phim. 

Và phim cho thiếu nhi

Nhiều khán giả 5X khó quên bộ phim “Ông già Khốt Ta Bít” chiếu ở Hòa Bình và Kim Đồng trong thập niên 1960. Phim do Liên Xô sản xuất năm 1956, được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn L.I. Lagin, kể về những cuộc phiêu lưu của một ông già có phép thuật từ xứ sở cổ tích lạc vào cuộc sống hiện đại.

Ông già Khốt Ta Bít kết bạn với cậu bé Vônca mà ông không thể làm vừa lòng bằng phép thuật của mình, bởi lẽ quan niệm của ông về cuộc sống và hạnh phúc không phù hợp với cách nhìn nhận của cậu bé này. Và từ bộ phim, trẻ con Hà Nội gọi bố mẹ bằng “ông Khốt”, “bà Khốt”. Lại còn có cả đồng dao.

Một bộ phim khác dành cho lứa tuổi học sinh mà nhiều người không thể quên là “Hãy tìm tôi nhé, Lionya!”. Nội  dung kể về tình bạn  giữa một cô bé con nhà khá giả và một cậu bé lớn hơn, mồ côi cha mẹ đi theo cách mạng... Gây ấn tượng mạnh nhất chính là bài “Thời gian ơi xin ngừng trôi” mà cô bé cùng ông cụ già hát rong hát giữa chợ trong phim và cảnh kết khi cậu bé phải ra đi trên tàu thủy còn cô bé chạy trên bờ và kêu lên “Hãy tìm tôi nhé, Lionya!”. Nhiều bạn gái trong rạp không kìm được nước mắt cứ thút thít cho đến khi đèn sáng. Khóc vì cảm động nhưng có thể các cô gái khóc cho chính mình vì khi đó đất nước đang chiến tranh. 

Vào chủ nhật rạp chiếu nhiều suất để phục vụ vì chỉ ngày chủ nhật cha mẹ được nghỉ làm mới có thời gian đưa con đi xem. Ngày 1-6 thì còn đông hơn, nhiều cha mẹ không mua được vé trong quầy đành ngậm ngùi mua vé phe và mất toi bát phở. Trẻ con vùng ven đô muốn đi xem thì cha mẹ phải cho ăn cơm rất sớm rồi đèo đến rạp, sau khi dặn dò đủ thứ rồi đạp xe lòng vòng hay vào nhà người quen chơi chờ con xem xong ra đón. Con trẻ xem xong hôm sau đi học hay về  phố kể oang oang khiến những đứa không được đi nuốt nước bọt hóng từng lời...