Kể cả đã tiêm vaccine vẫn không được chủ quan, mất cảnh giác phòng dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng, chúng ta có quyền tự do đi lại, không cần đeo khẩu trang và không phải cảnh giác đối phó với dịch Covid-19 nữa hay không? Các chuyên gia y tế trên thế giới khuyến cáo, không nên chủ quan và lơ là, kể cả sau khi tiêm chủng.
Seychelles là một lời nhắc nhở cho thế giới rằng, ngay cả sau khi phần lớn dân số đã được tiêm ngừa, dịch bệnh khó có thể chấm dứt hoàn toàn

Seychelles là một lời nhắc nhở cho thế giới rằng, ngay cả sau khi phần lớn dân số đã được tiêm ngừa, dịch bệnh khó có thể chấm dứt hoàn toàn

Đã tiêm chủng vẫn cần đeo khẩu trang

Tuần vừa rồi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tuyên bố, những người đã tiêm đủ liều vaccine chống Covid-19 có thể yên tâm bỏ khẩu trang, không cần giữ khoảng cách với người khác, ngoại trừ trên máy bay và tàu hỏa hay đối với những người bị suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế ở Mỹ cho rằng, vẫn cần duy trì việc đeo khẩu trang như một biện pháp phòng dịch chính, trong bối cảnh nước Mỹ chưa vượt qua hẳn đại dịch và cứ khoảng 2,5 phút thì ở Mỹ có một người tử vong vì Covid-19.

Hướng dẫn mới của CDC Mỹ khiến nhiều người nghĩ đến thông điệp: Nếu đã tiêm vaccine, bạn hoàn toàn có thể yên tâm tháo khẩu trang. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Theo GS.TS David Holtgrave, Hiệu trưởng trường Y Đại học Albany, nước Mỹ, với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế công cộng và đồng nghiệp là TS Eli Rosenberg, Giáo sư dịch tễ học tại trường này, vaccine Covid-19 được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Mỹ dù có hiệu quả vượt trội nhưng cũng có xác suất không ngăn được virus. Mọi người nên lưu ý đến những nguy cơ nhỏ này mà sử dụng lớp bảo vệ thứ hai, đó chính là khẩu trang.

“CDC nói những người được tiêm chủng đầy đủ có thể chọn đeo khẩu trang trong một thời gian. Chúng tôi tự tính mình vào hạng mục này bởi chúng tôi là chuyên gia y tế công cộng có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm và chúng tôi biết rõ tài liệu về Covid-19. Cho đến khi có nhiều người được chủng ngừa hơn, tỷ lệ tử vong ở mức ngang bằng với bệnh cúm và có thể đảm bảo an toàn hơn trước các biến thể trốn tránh vaccine mới, chúng ta sẽ tiếp tục đeo khẩu trang”, hai chuyên gia của trường Y Đại học Albany nhấn mạnh.

Một sơ hở khác mà chuyên gia Mỹ cũng chỉ ra, khi ở giữa đám đông, không thể biết ai đã tiêm vaccine và ai chưa tiêm. Đó là chưa kể, một phần đáng kể những người không muốn tiêm chủng cũng có thể không muốn đeo khẩu trang. Chính sách mới của CDC Mỹ có thể cho phép họ đơn giản “hòa nhập” mà không cần đeo khẩu trang khi giao tiếp xã hội. Khi đó, khả năng lây truyền bệnh sẽ là một tác dụng phụ đáng tiếc của chính sách mới nhất nói trên.

Một sai lầm trọng tâm trong y tế công cộng là nới lỏng các nỗ lực kiểm soát bệnh truyền nhiễm ngay trước khi đến vạch đích. Vì thế, giới chuyên gia ở Mỹ cho rằng, vẫn cần nêu cao y thức phòng ngừa dịch bệnh mang tính cá nhân và đeo khẩu trang là một biện pháp rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả cao.

Bài học từ Seychelles

Trong khi các quốc gia khác phải vật lộn để đảm bảo có đủ vaccine, thì Seychelles đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 61,4% dân số. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Trong tháng qua, số ca nhiễm mới ở quần đảo Ấn Độ Dương với 98.000 dân này tăng mạnh, khiến chính quyền phải áp dụng các biện pháp hạn chế trở lại.

Chỉ hơn một tháng trước, Seychelles đã rất tự tin với việc xử lý đại địch của mình. Đất nước này đã mở cửa lại biên giới cho hầu hết các du khách quốc tế, có nghĩa bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm PCR âm tính đều có thể nhập cảnh mà không cần cách ly. Đây là một bước đi quan trọng đối với một quốc gia nơi du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra khoảng 72% GDP và việc làm cho 30% dân số. Tính đến thời điểm đó, Seychelles ghi nhận chưa đầy 3.800 ca nhiễm và 16 trường hợp tử vong. Nhưng tới ngày 13-5, tổng số ca mắc đã tăng hơn gấp đôi lên 9.184 người nhiễm và 32 ca tử vong, trong đó 33% bệnh nhân đã được tiêm chủng đầy đủ.

Không rõ nguyên nhân gì dẫn đến đợt lây lan này. Ông Sylvestre Radegonde, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Du lịch, cho biết, virus có thể vẫn ẩn trong cộng đồng và lây lan khi mọi người tự mãn với chương trình tiêm chủng. Seychelles đang dựa vào vaccine Sinopharm và Covishield do Trung Quốc sản xuất, cùng với vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ. Mặc dù 2 loại vaccine này có mức độ hiệu quả cao nhất chỉ 75% nhưng các chuyên gia và quan chức địa phương nói rằng đợt bùng phát mới Seychelles không phải là dấu hiệu cho thấy vaccine không hoạt động.

“Vaccine đang bảo vệ người dân. Những người đã được tiêm vaccine không phát triển bất kỳ biến chứng nào. Chúng tôi vẫn tin rằng cả 2 loại vaccine đều có tác dụng. Nếu không có chúng, mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn”, Bộ trưởng Sylvestre Radegonde nói. Bà Cassie Berry, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Murdoch ở Perth, lưu ý tình hình ở Seychelles là một câu chuyện cảnh báo rằng vaccine không phải là thuốc chữa khỏi tất cả và các quốc gia cần phải cảnh giác với các biến thể mới.

“Tất cả chúng ta đều đang chạy đua để được tiêm chủng, nhưng vẫn cần nhớ rằng giữ khoảng cách xã hội, tiệt trùng và khẩu trang là bộ công cụ rất tốt trong việc ngăn ngừa lây truyền bệnh”, bà Cassie Berry nói.

“Covid-19 sẽ không đột ngột biến mất. Kịch bản có thể xảy ra nhất là thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19. Các quốc gia cần làm nhiều việc hơn là chỉ tập trung vào tiêm chủng, bao gồm kiểm soát hoàn toàn biên giới, xét nghiệm rộng rãi và cung cấp đủ năng lực để các bệnh viện có thể đối phó với các đợt dịch bùng phát. Không thể vứt bỏ hướng dẫn sức khỏe cộng đồng khi đã tiêm phòng cho 60% dân số của mình”.

Ông Jeremy Lim

(Giáo sư tại trường Y Saw Swee Hock trực thuộc Đại học quốc gia Singapore)