Chất chứa sau bức tường vôi xám (3)

Kẻ bị đời… lãng quên

ANTĐ - Trải qua hơn chục năm thụ án, chỉ còn chưa đầy 14 tháng nữa là Hà Văn Tài được tự do. Với một người phải chấp hành án phạt tù đằng đẵng thì quãng thời gian còn lại chẳng có gì đáng kể và mỗi một ngày qua đi là một ngày vui. Thế nhưng gã tù mang tội “Hiếp dâm trẻ em” này lại không hề hào hứng khi nhắc tới cái ngày đoàn viên.

Một góc cải tạo, lao động dành cho phạm nhân tại Trại giam Hồng Ca

Buổi sáng đồi bại 12 năm trước

Với một trại giam như Trại Hồng Ca có đến gần 80% phạm nhân đang phải chấp hành án liên quan đến ma túy thì tội danh của Hà Văn Tài được liệt vào “loại hiếm”. Ngày 19-2-2001, gã bị TAND tỉnh Yên Bái xử phạt 16 năm tù giam về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Trước khi phải vào đây thụ án, Tài sống ở tận xã Mỏ Vàng, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, Yên Bái. Ở tuổi 44, phạm nhân người dân tộc Mường này vẫn giữ được sức vóc phương phi, khỏe mạnh hơn người. Chẳng thế mà hầu hết những công việc nặng nhọc nhất ở Đội 4, phân trại 1 đều do gã đảm nhiệm. Nhờ cải tạo tốt nên Tài đã được giảm án và chỉ chưa đầy 14 tháng nữa gã sẽ hoàn toàn tự do.

Nhắc lại cái lý do phải vào tù, gã kể đó là một buổi sáng cuối tháng 9-2000. Trước đó 2 hôm, Tài đi rừng xẻ gỗ về thì lại hay tin vợ ở nhà vẫn “ăn vụng”. Buồn chán, sáng 22-9, gã đi mua hẳn 5 lít rượu về nhà để giải sầu. Đàn ông trong thôn đã đi rừng gần hết, những phụ nữ người Dao ở quanh nhà Tài thì lên nương, lên rẫy từ tờ mờ sáng. Vợ đi đâu, gã cũng không biết. Trong lòng cô quạnh, lại ngồi giải sầu một mình khiến gã càng sầu hơn. Thế nhưng sau vài chén rượu cay nồng, tự nhiên gã thấy trong người bứt rứt. Cả tháng trời ăn núi, ngủ rừng với đám “lâm tặc”, gã rất thèm khát “hơi ấm” của vợ hoặc giả bất kỳ một người phụ nữ nào khác. Vừa hay, cô bé hàng xóm tên Triệu Thị Mến (khi ấy mới 7 tuổi 24 ngày) sang chơi. Theo cái đà ấy, “con quỷ” dâm dục trong người Tài bất chợt nổi phừng phừng. Lý trí trong đầu gã lập tức bị triệt tiêu. Nhằm thực hiện hành vi đồi bại với bé gái Triệu Thị Mến, gã vội lên nhà lấy 2 ống bỏng ngô dụ cô bé hàng xóm cùng ngồi vào mâm rượu. Một ngụm, rồi hai ngụm, Tài cứ thế dỗ dành bé gái học cách uống rượu. 

Xung quanh vẫn im lìm, tĩnh mịch, Tài thấy trong người không thể kiềm chế hơn được nữa. Gã bế thốc cô bé đặt lên chiếc chõng tre kê ở góc bếp để giao cấu. Đúng lúc đó thì một đầu nậu chuyên đi rừng ở cùng xã đến nhà nhờ gã vào rừng xẻ gỗ hộ. Suýt bị bắt tại trận, Tài cuống cuồng buông cô bé hàng xóm ra và đánh “trống lảng”. Khi tay đầu nậu gỗ ra về, gã phát hiện bộ phận sinh dục của cô bé chảy máu. Để che giấu hành vi bỉ ổi, Tài bế Triệu Thị Mến ra suối tắm rửa và dỗ dành cô bé lên nhà nằm ngủ. Nghi ngờ Tài làm chuyện bậy bạ với trẻ em, ít phút sau, tay đầu nậu gỗ kia lặng lẽ quay lại hiện trường. Lần này, anh ta đã tận mắt nhìn thấy Tài đang nằm trên giường, tay ôm cô bé hàng xóm. Và thế là sự việc được đưa ra chính quyền giải quyết.

Chưa biết chốn dung thân

Hà Văn Tài tại trại giam 

Tội lỗi của Hà Văn Tài là như vậy. Gã đã trả được gần hết “món nợ” với pháp luật, với gia đình Triệu Thị Mến và dân bản. Nhưng cuộc đời không đơn giản vậy, con đường từ Trại giam Hồng Ca về nhà gã chỉ có vài chục cây số, song giờ đã trở nên vô cùng xa xôi, cách trở. Ngồi chuyện trò với chúng tôi, vậy mà Tài cứ đăm đắm mãi một điều rằng chẳng biết vợ con và dân làng có thứ tha, bao dung với gã không nữa. Và nếu họ không đón nhận một kẻ “lầm đường lạc lối” như gã thì quả thật Tài cũng chưa biết đi đâu về đâu.

Tài thuộc loại “tứ cố vô thân” ở trại. Lần Tài được gặp người thân gần nhất là cách đây hơn 12 năm, ngay tại phiên tòa xét xử gã. Và cũng kể từ ngày đó, chưa bao giờ gã biết đến gói quà, gói bánh của vợ con gửi đến thăm nuôi. Tài bảo: “Buồn nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về. Những dịp ấy, hầu hết phạm nhân ở trại đều có gia đình, người thân lên động viên và gửi quà Tết. Chỉ có mình tôi là chẳng có ai ngó ngàng đến”. Nỗi thất vọng, buồn bã càng hiện rõ trên khuôn mặt khi gã nói: “Tôi đã gửi tổng cộng 142 lá thư cho vợ con mà chẳng nhận lại được lấy một lá”. Nói về gốc gác của mình, Tài kể quê gã ở mãi tận Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Năm 1975, mới 7 tuổi, gã theo bố mẹ đến xã Mỏ Vàng, Văn Yên sinh sống. Vậy nhưng khi vừa đặt chân đến vùng đất này thì bố gã mắc bệnh lao, rồi qua đời. Chưa đầy 1 năm sau, mẹ gã cho đi làm con nuôi cho một đôi vợ chồng người Dao không sinh nở được. Sau đó, mẹ bỏ đi đâu đến giờ gã vẫn không rõ. Lớn lên Tài lấy cô vợ ở cùng bản và sinh được một đứa con gái. Nhưng rồi vợ mất, Tài đành để lại con cho ông bà ngoại nuôi dưỡng, còn gã vào rừng làm “lâm tặc”. Ít lâu sau, Tài theo người đàn bà người Dao hơn gã 2 tuổi và về xã Kiên Thành, Trấn Yên sống kiếp vợ chồng không hôn thú và đẻ thêm được 2 đứa con nữa. “Giờ chắc bọn chúng đã lấy chồng, lấy vợ cả rồi” - Tài tư lự.

Lúc trước nói về hành vi phạm tội của mình, Tài đổ thừa một phần là do lỗi của người vợ trên danh nghĩa hiện nay. Theo gã thì ít nhất 3 lần Tài bắt quả tang vợ với người đàn ông khác. Ngặt nỗi, gã đến ở nhờ trên mảnh đất nhà ngoại, lại thân cô, thế cô, trong khi anh em nhà vợ rất đông nên Tài không thể “rắn mặt” được. Khi gã đem điều hơn lẽ thiệt ra khuyên bảo vợ thì nhận được câu trả lời rằng: “Tôi kiếm được thì tôi ăn. Anh giỏi thì đi mà kiếm người khác”. Nhắc đến ngày về trong nay mai, Tài khẽ thở dài và bộc bạch: “Vợ con hắt hủi, có lẽ tôi sẽ phải tìm về Văn Chấn thôi. Ở đó, tôi vẫn còn có ông chú ruột và mấy đứa em họ. Hy vọng là vẫn được mọi người đón nhận”!   

 Buổi tiếp chuyện kết thúc, Hà Văn Tài được cán bộ quản giáo dẫn trở lại buồng giam. Không biết làm gì hơn, chúng tôi chỉ biết động viên: “Cố gắng cải tạo thật tốt trong những ngày tháng còn lại. Anh có sức khỏe, lại một lòng hướng thiện thì lo gì không có chỗ dung thân”!

(Tên bị hại đã thay đổi)