"Kẻ bại trận" trên Biển Đông

ANTĐ - Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc vừa kết thúc tại Vân Nam với những lời bình luận ồn ã về việc bản tuyên bố chung của ASEAN nêu lo ngại về Biển Đông đã bị rút lại sau chưa đến 3 giờ công bố. 

Tạp chí Diplomat của Nhật Bản nhận định, nhìn bề ngoài đúng là Trung Quốc đã một lần nữa tạm thời ngăn chặn ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông cũng như trong chiến thuật chia rẽ và chế ngự ASEAN; nhưng sâu xa thì Trung Quốc đã thất bại trong chiến thuật lớn hơn và bị phần lớn các quốc gia Đông Nam Á kịch liệt phản đối.

Lý giải về nhận định này, theo Tạp chí Diplomat, từ những gì chính quyền Bắc Kinh vẫn thường đề cập trước đây và trước hội nghị cho thấy Trung Quốc luôn chú trọng vào 3 điểm chính:

Thứ nhất, Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng giải quyết các bất đồng về Biển Đông mà không có sự can thiệp từ bên ngoài - bao gồm cả phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc.

Nhưng Hội nghị ở Vân Nam lại cho thấy ASEAN và Trung Quốc không thể đơn phương giải quyết vấn đề này thành công, trừ trường hợp Bắc Kinh tiếp tục tìm cách phá hoại đoàn kết của tổ chức khu vực này, từ đó cản trở mỗi nước đưa ra quan điểm riêng và ngăn chặn các quốc gia riêng lẻ tìm kiếm cách giải quyết từ bên ngoài.

Theo một nhà ngoại giao Đông Nam Á nắm rõ các sự kiện tại Côn Minh, ASEAN đã chuẩn bị một bản tuyên bố chung để công bố giống như những gì mà Malaysia đã tuyên bố và Trung Quốc cũng đã biết được điều này từ trước đó. Nhưng thay vì để ASEAN đưa ra một tuyên bố chung và công khai về quan điểm của họ, Bắc Kinh đã dựa vào quan hệ thân thiết với một số thành viên trong nhóm để buộc tổ chức này phải rút lại tuyên bố chung, dù đã công bố với một số phương tiện truyền thông trước đó. 

Nói cách khác, thay vì cùng ASEAN soạn thảo và ra tuyên bố chung theo hướng cùng hòa giải hoặc thể hiện quan điểm riêng mỗi bên, Trung Quốc lại chọn hủy hoại khả năng thể hiện quan điểm chung của ASEAN để giữ lập trường ngang ngược của mình. Trung Quốc luôn nói rằng mình theo quan điểm ngoại giao đôi bên cùng thắng trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc tuy nhiên thực chất Trung Quốc lại có cách tiếp cận thắng - thua trong quan hệ với ASEAN và thái độ này của Trung Quốc khiến quá trình ngoại giao giữa hai bên không mang lại kết quả tích cực.

Thứ hai, ASEAN và Trung Quốc không nên để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai bên, trong thời điểm hai bên sắp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ. Chính quyền Bắc Kinh không muốn phạm vi mà vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ của Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á bị thổi phồng bởi cho rằng, nó chỉ là một vấn đề nhỏ trong quan hệ hợp tác thành công của hai bên.

Tuy nhiên, qua nội dung tuyên bố chung đã được ASEAN đồng ý trước đó lại ngược lại. Về cơ bản, tuyên bố này được chia ra hai phần rõ ràng. Phần đầu tiên đề cập chủ yếu đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc và việc chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 25 năm hai bên thiết lập quan hệ. Phần thứ hai đề cập rất chi tiết đến vấn đề Biển Đông và nói rõ rằng vấn đề Biển Đông đang ảnh hưởng đến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp. Lời kêu gọi này được coi như một sự bác bỏ ngầm đối với tuyên bố Trung Quốc đưa ra về việc phớt lờ phán quyết “đường lưỡi bò” của Tòa Trọng tài quốc tế.

Trong tuyên bố chung, các Ngoại trưởng ASEAN còn cảnh báo rằng những hoạt động gần đây trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông - nơi Bắc Kinh tiếp tục có hoạt động bồi lấp, xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và “có nguy cơ hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định” ở khu vực.

Các tuyên bố chung của ASEAN trước đây đề cập rất ít đến vấn đề Biển Đông và nếu có đề cập cũng không nêu trực tiếp tên Trung Quốc. Bởi vậy, việc ASEAN dành toàn bộ nửa sau của tuyên bố để nói về mối lo ngại đối với Trung Quốc ở Biển Đông lần này cho thấy đây là lần thể hiện cứng rắn nhất của khối. Dù không được phát hành, song bản tuyên bố chung là dấu hiệu cho thấy phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đã gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ở một mức độ chưa từng thấy, đồng nghĩa với việc toan tính của Bắc Kinh đã không được như ý.

Thứ ba, Trung Quốc muốn Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN và Trung Quốc, mà là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh với 4 quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là Philippines, nhưng tại Hội nghị này mục tiêu đó không chỉ không đạt được mà còn bị phủ nhận.

Theo Diplomat, Campuchia và Lào - nước Chủ tịch ASEAN năm nay có liên quan việc tuyên bố chung ASEAN bị rút lại. Tuy nhiên, phản ứng sau đó của các nước có lẫn không có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc - bao gồm cả Singapore và Indonesia - đã phá bỏ mong muốn của Trung Quốc là biến tranh chấp Biển Đông thành chuyện riêng giữa Trung Quốc với 4 nước tranh chấp.

Singapore - có vai trò trung gian quan trọng giữa ASEAN với Trung Quốc - là trường hợp rõ nhất. Trước hội nghị vừa rồi Singapore đã không thoải mái với nỗ lực chia rẽ ASEAN của Trung Quốc. Sau khi tuyên bố chung ASEAN bị rút lại Singapore còn đưa ra thông cáo báo chí riêng về việc này, một dấu hiệu cho thấy rõ sự thất vọng của Singapore khi 8/13 dòng trong thông cáo tập trung nói về các lo ngại về Biển Đông mà các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN truyền đạt tới phía Trung Quốc tại hội nghị.

Trong khi đó, Indonesia - nước lớn nhất trong khối ASEAN và khá yên lặng về vấn đề Biển Đông gần đây - cũng ra tuyên bố khẳng định rằng hòa bình và ổn định sẽ rất khó đạt được nếu không có sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Quan trọng hơn, theo một nguồn tin ngoại giao nói với Diplomat, việc Indonesia quyết định ra tuyên bố dù đang chịu áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc rất có ý nghĩa và rất đáng chú ý.

Theo The Diplomat, dù bản tuyên bố chung đã không được đưa ra, nhưng nó là minh chứng cho thấy những nỗ lực chưa từng có của các quốc gia Đông Nam Á để đẩy lùi sự lộng quyền ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực. Và tại Côn Minh lần này, những nỗ lực đó đã phần nào được ghi nhận khi làm thất bại những mục tiêu ban đầu của Bắc Kinh.