Jonathan Pollard - nhân vật khó hiểu nhất trong lịch sử gián điệp cuối Chiến tranh lạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Cuối tháng 11-2020, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh việc dỡ bỏ các hạn chế tạm tha đối với Jonathan Pollard - nhà phân tích Hải quân Mỹ bị kết tội làm gián điệp cho Israel trong những năm 1980. Pollard được coi là một “gián điệp kỳ quái” và điệp vụ này đã trở thành phép thử cho quan hệ giữa Mỹ và Israel.

Jonathan J. Pollard, cựu nhân viên phân tích Hải quân Mỹ bị kết tội làm gián điệp cho Israel

Jonathan J. Pollard, cựu nhân viên phân tích Hải quân Mỹ bị kết tội làm gián điệp cho Israel

Một trong những vụ gián điệp khét tiếng nhất trong lịch sử hiện đại đã kết thúc hôm 20-11-2020, khi Bộ Tư pháp Mỹ chấm dứt hạn chế tạm tha áp đặt cho nhà cựu phân tích tình báo Hải quân Jonathan J. Pollard (66 tuổi). Cựu sĩ quan tình báo Hải quân Mỹ bị bắt quả tang bán tài liệu mật vào năm 1985 và bị kết án chung thân 2 năm sau đó. Israel đã vận động hành lang trong nhiều năm để ông Pollard được thả sớm. Cuối cùng ông được ra khỏi nhà tù ở Bắc Carolina vào năm 2015 sau khi thụ án 30 năm. Các điều khoản ân xá cấm ông rời Mỹ trong 5 năm. Cuối tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những hạn chế đó đã được dỡ bỏ.

Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ban hành tuyên bố hoan nghênh quyết định này. “Trong nhiều năm, Thủ tướng đã cam kết và luôn nỗ lực hướng tới việc đảm bảo trả tự do cho Pollard. Thủ tướng hy vọng sẽ sớm gặp Jonathan Pollard ở Israel, và cùng với tất cả người dân Israel gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới ông cùng bà Esther, vợ ông”. Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein, một người thân tín của ông Netanyahu đã viết: “Israel đang chờ Yonatan (tên Do Thái của ông Pollard). Từ lâu ông đã có dự định sẽ chuyển đến Israel khi được thả”.

Động cơ thúc đẩy

Jonathan Pollard vẫn là một trong những nhân vật khó hiểu nhất trong lịch sử hoạt động gián điệp cuối Chiến tranh Lạnh. 40 năm trước, ông được Hải quân Mỹ tuyển dụng làm nhà phân tích tình báo dân sự, bất chấp việc CIA lưu ý đây là người có sử dụng ma túy. Tuy nhiên, chính sự thiếu phối hợp giữa CIA với quân đội Mỹ mà Pollard được tuyển dụng dù ông “được biết đến là người có vấn đề, không đáng tin cậy và là gián điệp kỳ quặc”.

Ngay sau khi gặp Aviem Sella, sĩ quan cấp cao của Không quân Israel đang đi nghỉ phép tại New York, Pollard đã gặp gỡ quan chức cấp cao của Israel. Tự giới thiệu mình là một nhân viên tình báo Hải quân Mỹ, Pollard nói với Sella rằng, ông tin người Mỹ đang có thông tin mật mà không chia sẻ với đồng minh Israel như thỏa thuận. Sau đó ông đề nghị hợp tác với Israel. Sella thông báo cho Tham mưu trưởng Không quân về việc này và được cấp trên “bật đèn xanh”. Không rõ khi nào các cơ quan tình báo chính thức của Israel biết về hoạt động này.

Vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, trong hơn 1 năm, Pollard đã lợi dụng vị trí của mình để chuyển hàng nghìn tài liệu tuyệt mật cho Israel. Ông đã làm như vậy để đổi lấy hàng chục nghìn đô la. Tuy nhiên, một số quan chức tình báo đã nói rằng, ông cũng cung cấp thông tin cho các nước khác.

Năm 1987, Pollard bị kết án tù chung thân và vợ ông cũng bị kết án 5 năm tù. Năm 1988, Pollard đã trả lời cuộc phỏng vấn đầu tiên khi ở trong tù với phóng viên của đài CBS. “Tôi có thể đưa ra một số lý do nhẹ nhàng về những gì tôi đã làm. Đó là lý do liên quan đến một gia đình đã bị chết trong chiến dịch diệt chủng người Do Thái, liên quan đến nhận thức rằng chính phủ này vào những năm 1940 đã bỏ mặc người Do Thái cho số phận của họ ở châu Âu”.

Ngoài ra còn có một lý do “nặng đô hơn”, Pollard nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông Caspar Weinberger đã lơ là nghĩa vụ của mình với Israel. Theo Pollard, ông Weinberger khi đó giữ kín thông tin mà Israel có quyền được nhận theo một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo bí mật giữa Mỹ và Israel. “Bản án chung thân đối với tôi không đích đáng. Rõ ràng và đơn giản là, nó phản ánh sự báo thù chính trị”.

Thái độ gây nghi ngờ của Israel

Pollard bị bắt năm 1985 sau khi cố gắng xin tị nạn không thành công tại Đại sứ quán Israel ở Washington. Israel ban đầu phủ nhận Pollard đã làm gián điệp cho họ. Tuy nhiên, vào năm 1995, Israel đã công nhận Pollard là công dân của mình. 3 năm sau, nhà nước Do Thái thừa nhận ông là điệp viên của họ.

Yossi Melman, một chuyên gia về tình báo Israel, bác bỏ quan điểm cho rằng chính quyền Israel không biết về điệp viên Pollard và tin rằng ông ta đã bị nhà chức trách Israel bỏ rơi nhằm chối bỏ trách nhiệm trong vụ bê bối. “Tất nhiên là họ biết. Họ có thể nói không làm gián điệp chống lại Mỹ mà chỉ sử dụng thông tin của Mỹ về các quốc gia trong khu vực, và điều đó đúng. Nhưng họ không thể không biết”.

Chính phủ Israel đã xin lỗi Mỹ vào năm 1987 và thừa nhận có một số vai trò trong hoạt động gián điệp của Pollard, nhưng phải hơn 10 năm sau mới thừa nhận trả tiền cho điệp viên này. Nhưng Israel không bao giờ trả lại tài liệu bị đánh cắp mà chỉ cung cấp cho các nhà điều tra Mỹ vài chục tài liệu không đáng kể trong số hàng chục nghìn tài liệu mà họ nhận được. Việc Israel từ chối hợp tác đầy đủ với FBI trong cuộc điều tra Jonathan Pollard chỉ dẫn đến những nghi ngờ lớn hơn. Giới quan sát cho rằng, chính vì Israel đã không hợp tác với các công tố viên Mỹ nên Pollard là người Mỹ duy nhất bị kết án tù chung thân vì chuyển thông tin mật cho đồng minh.

Ông Ram Ben Barak - cựu Phó Giám đốc Mossad (cơ quan tình báo Israel), người đã nghỉ hưu năm 2011 cho biết, sự việc đã gây tổn hại lớn cho Israel. “Toàn bộ mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ đã xấu đi vì điều này. Suốt nhiều năm ngờ vực, người Mỹ nghi ngờ ông ta không phải là người duy nhất và cảm thấy rằng họ đã không nhận được những lời giải thích cần thiết. Họ không tin rằng chính quyền Israel không liên quan. Nó gây ra thiệt hại rất lớn, rất lớn. Họ xem đó là sự phản bội” - ông Ram Ben Barak thừa nhận.

Sự răn đe của Mỹ

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Shimon Peres khi đó đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, vụ gián điệp Pollard được coi là sự phản bội lòng tin của một quốc gia đồng minh với Mỹ (Mỹ coi Israel là tài sản khu vực trong Chiến tranh Lạnh). Vụ việc cũng là lý do để các quan chức cấp cao Mỹ thù địch hoặc ngờ vực Israel phản kháng. Vào đêm trước ngày tuyên án Pollard, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Caspar Weinberger đã viết một bản ghi nhớ đặc biệt, trong đó ông mô tả Pollard không chỉ là một điệp viên mà còn là kẻ phản bội nước Mỹ. Sau bản ghi nhớ đó, thẩm phán đã từ chối đề nghị của công tố mà đưa ra bản án cao nhất: Chung thân.

Chính quyền Washington cũng không tha thứ cho Pollard hay Israel trong nhiều thập kỷ kể từ khi ông bị bắt. Khá nhiều quan chức cấp cao của Mỹ tin rằng, một số thông tin tình báo mà Pollard đã trao cho Israel (đặc biệt là liên quan đến công nghệ vệ tinh của Mỹ) cuối cùng đã đến được Liên Xô. Đó là lý do tại sao nhiều đời Tổng thống Mỹ đều cân nhắc rất kỹ xem có nên khoan hồng cho Pollard như một phần của thỏa thuận với Israel hay không.

Họ đã vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng tình báo và thậm chí dẫn đến việc các quan chức cấp cao đe dọa từ chức để phản đối, cuối cùng buộc Nhà Trắng phải mạnh tay, không ân xá. Trong khi đó, các vụ gián điệp khác ở quốc gia thân thiện dẫn đến các bản án khoan hồng hơn nhiều. Ví dụ, Steven John Lalas, người chuyển thông tin cho nhà chức trách Hy Lạp đã bị tuyên án 14 năm tù và được phép đến Hy Lạp ngay sau khi được thả.

Điệp vụ Pollard đã làm tổn hại đến lòng tin giữa 2 quốc gia, không chỉ giữa Mỹ và Israel mà còn giữa Nhà Trắng và cộng đồng Do Thái. Có người cho rằng, quyết định tuyển dụng một người Mỹ gốc Do Thái làm nhân viên tình báo là nghiệp dư và sai lầm ngay từ đầu. Hơn nữa, việc Chính phủ Israel từ chối chịu trách nhiệm về vai trò của mình, đồng thời thể hiện tình đoàn kết với ông Pollard trong các chuyến thăm công khai tới nhà tù chỉ làm trầm trọng thêm sự rạn nứt với Washington.

Chính quyền Washington cũng không tha thứ cho Pollard hay Israel trong nhiều thập kỷ kể từ khi ông bị bắt. Khá nhiều quan chức cấp cao của Mỹ tin rằng một số thông tin tình báo mà Pollard đã trao cho Israel (đặc biệt là liên quan đến công nghệ vệ tinh của Mỹ) cuối cùng đã đến được Liên Xô. Đó là lý do tại sao nhiều đời Tổng thống Mỹ đều cân nhắc rất kỹ xem có nên khoan hồng cho Pollard như một phần của thỏa thuận với Israel hay không.